Ông Vũ Đức Đam nói: “Thông tin Chính phủ sẽ trình Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% là đúng. Chính phủ đã bàn vấn đề này. Lý do là yêu cầu đầu tư rất lớn”.
Dẫn chứng được Bộ trưởng Vũ Đức Đam đưa ra là: Từ HN, TPHCM đến vùng sâu, vùng xa nhất thì đâu đâu cũng có nhu cầu đầu tư từ điện, đường, trường trạm, rồi đến nước, xử lý rác thải… Và chúng ta cũng đều biết Nghị quyết 11, vừa rồi là chỉ thị chấn chỉnh đầu tư công thì hàng loạt công trình trước đây chúng ta đầu tư nay siết lại, không đủ vốn để làm. Trong khi đó, dù kinh tế vẫn phát triển, tăng trưởng ở mức trên 5%, nhưng bằng rất nhiều các giải pháp hỗ trợ DN trong đó có giãn, lui một số thuế, một số biện pháp hỗ trợ khác nên thu ngân sách vẫn tăng nhưng “mức tăng của ngân sách không đáp ứng được mức chi theo như mong muốn, chưa đáp ứng được nhu cầu” – ông Đam nhấn mạnh.
Trong khi đó, lương vẫn phải tăng, đầu tư an sinh xã hội vẫn phải tăng. Ông Đam đưa ra cách tính: Trong chi 100 đồng thì năm 2013, chi cho đầu tư còn có 19 đồng. Trước đây chúng ta đầu tư tới trên 30 đồng, thậm chí 40 đồng, trong khi yêu cầu đầu tư thì rất lớn.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng khẳng định: Khi trình Quốc hội nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%, Chính phủ đã xem xét đầy đủ các mối quan ngại. Khi Chính phủ làm chính sách, trước hết đều có sự tham mưu từ các cơ quan tham mưu, sau đó lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến nhân dân qua báo chí. Nâng lên 5,3% là Chính phủ đã tính đầy đủ để đảm bảo mức trần nợ công. Còn câu chuyện sử dụng nguồn vốn ấy tiết kiệm hay không thì không chỉ việc nâng lên 5,3% mới quan tâm, mà kể cả không bội chi thì cũng phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư.
Về những khó khăn trong đầu tư hiện nay, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ đã kêu gọi đầu tư tư nhân nhưng vào rất khó. Bởi vì, nếu muốn nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào đường thì phí thu được phải thật cao mới hoàn vốn được, nhưng nếu phí thu cao thì các công ty vận tải và người dân có chịu được không?
Bộ trưởng đơn cử chuyện xã hội hóa bệnh viện để nhà nước bớt đầu tư nhưng cũng rất ít nhà đầu tư tham gia. Bởi vì, một là vấn đề chi trả, nhưng thứ hai, quan trọng nhất là thầy thuốc. Những thầy thuốc giỏi đều đã tập trung ở bệnh viện công hết rồi.
Gần đây, hình thức đầu tư hợp tác công-tư (PPP), tức là khuyến khích tư nhân cùng nhà nước đầu tư.
Trong bối cảnh đó, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, cứ bội chi 1% GDP thì tương đương, khoảng 40.000 tỷ đồng. Năm 2013 bội chi 4,8%, và tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 185.000 tỷ đồng, cộng với 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và một số khoản khác, là 230.000 tỷ đồng.
Sang năm, để kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,5%, nếu tốt thì khoảng 5,8-6%, vẫn phải có một phần đầu tư và tính toán tối thiểu thì cũng phải đầu tư khoảng ở mức 255.000 tỷ đồng.
“Cân đối tổng thu - tổng chi thì chúng ta buộc phải đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ phần bội chi này cho đầu tư” – ông Đam nhấn mạnh.
Nếu theo đúng quy định thì bội chi ngân sách năm nay là 4,8%, Quốc hội đồng ý cho tăng mức bội chi lên 5,3%, cộng với toàn bộ thu từ tiền đất, cộng với một phần thu từ khoáng sản, một phần xổ số kiến thiết là phải chi cho đầu tư hết. Thế nhưng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, vì thời gian qua chúng ta phải tháo gỡ khó khăn cho DN, phải giảm, giãn một số sắc thuế, do đó, đến bây giờ, tiền thu từ đất không dành được hết cho đầu tư mà phải dành cho chi sự nghiệp./.
Nguồn VOV online