Cà dại hoa trắng, thuộc họ cà, là loại cây nhỏ, mọc đứng, cao 2-3m, mang cành có gai. Lá mọc so le, có cuống hình trứng rộng, thường có thùy nông (ít khi nguyên), dài 18-25cm và rộng tới 18cm; cuống lá có gai, dài 3-10cm; phiến lá có lông mềm hình sao, gân giữa có gai. Cụm hoa xim ở kẽ lá. Hoa có cuống mang đài hoa 5 thùy có tuyến, có gai dài 3-5mm; tràng 5 thùy trắng, hình bánh xe; 5 nhị dài 5-6mm. Quả mọng hình cầu, khi chín màu vàng đường kính 10-15mm. Cây mọc hoang ở vùng núi. Thu hái quanh năm, khi thu hái về rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trong râm.
Theo y học cổ truyền, cà dại hoa trắng có vị cay, hơi mát, có ít độc; Có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giảm đau, trừ ho. Thường được dùng trị đau thắt lưng, đòn ngã tổn thương, đau dạ dày, đau răng, bế kinh, ho mạn tính,… Dưới đây là một số cách chữa bệnh đơn giản từ cà dại hoa trắng:
Làm dịu vết ong đốt: Lấy quả cà dại hoa trắng giã nát với lá lốt, vắt lấy nước bôi lên chỗ bị đốt.
Cà dại hoa trắng.
Chữa nước ăn chân: Lá chè xanh và lá phèn đen mỗi thứ 20-30g, sắc lấy nước đặc, ngâm rửa chân trong 5-10 phút. Sau đó lấy quả cà dại hoa trắng và lá lốt, mỗi thứ 20g, giã nát, thêm ít nước, dùng bông thấm nước thuốc bôi vào những kẽ nứt nẻ.
Chữa đau răng (do sâu răng): Rễ cà dại hoa trắng, rễ cây chanh, vỏ cây lai, vỏ cây trẩu, mỗi vị 10g, sắc lấy nước đặc ngậm rồi nhổ đi.
Chú ý, người bị bệnh tăng nhãn áp không dùng. Nếu sử dụng dưới dạng thuốc sắc cần theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ Đông y hoặc lương y có uy tín./.
Nguồn suckhoedoisong.vn