Phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Tiếp tục Phiên họp thứ 21, sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về kết quả triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013, Quốc hội đã ban hành 46 văn bản, trong đó có 36 luật và 3 Nghị quyết có chứa quy phạm, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành 7 pháp lệnh. Trong số 36 luật, 3 Nghị quyết quy phạm, 7 pháp lệnh này, thì Chính phủ trình 35 luật, 6 pháp lệnh và 3 Nghị quyết; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trình 1 luật; Tòa án nhân dân tối cao trình 1 Pháp lệnh.
Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cho rằng, báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH chưa nêu rõ được thực trạng của tình hình, chưa làm nổi bật được những bất cập, hạn chế trong công tác này từ khâu chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch triển khai cũng như nguồn nhân lực, nguồn kinh phí thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo rõ những bất cập, hạn chế trong công tác này; chỉ rõ những văn bản nào chưa được triển khai thực hiện tốt, từ đó xác định nguyên nhân và có kiến nghị xác đáng; đồng thời cần phải rà soát, làm rõ và đánh giá xem các luật, pháp lệnh, nghị quyết được ban hành có đi vào cuộc sống hay không? Nguồn nhân lực, kinh phí để thực hiện các chính sách, pháp luật đã được ban hành trong các văn bản này, nhất là về kinh phí bảo đảm đưa các quy định của luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống có đáp ứng được yêu cầu và có tính khả thi không? Có phù hợp với khả năng ngân sách hay là vượt quá khả năng ngân sách?
Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH, cả Chính phủ và cơ quan thẩm tra đều đánh giá còn những tồn tại, hạn chế, mà trong đó, điển hình là còn tình trạng chậm ban hành (nợ đọng) văn bản quy định chi tiết còn lớn.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: "Qua thống kê cho thấy, hiện có luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, song các Bộ, ngành chưa ban hành được văn bản nào để quy định chi tiết như Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013 nhưng còn 7 thông tư, thông tư liên tịch chưa ban hành); Bộ luật Lao động (có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013 nhưng còn 14 thông tư, thông tư liên tịch chưa được ban hành); Luật Xuất bản có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 nhưng còn 2 thông tư, thông tư liên tịch chưa được ban hành)"
Tình trạng này cũng được Chủ nhiệm Phan Trung Lý chỉ rõ, bởi đến nay, đối với 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ mới ban hành được 76/228 văn bản quy định chi tiết, còn 152/228 văn bản chưa được ban hành; đối với 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực mà trong đó có những văn bản sẽ có hiệu lực từ 1/10/2013 thì mới có 1/45 văn bản quy định chi tiết đã được ban hành.
Như vậy, so với tổng số văn bản cần quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thì tính đến thời điểm này mới có 76/228 văn bản (chiếm 33,3%) được ban hành, còn 152/228 văn bản (chiếm 66,7%) chưa được ban hành. Và nếu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”, thì số lượng văn bản được ban hành đúng thời điểm còn ít hơn rất nhiều.
Đáng chú ý là trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thì có đến 46 văn bản quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính và 10 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi), mà đây là hai trong số văn bản Luật có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi. Việc này không chỉ vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước”.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân người đứng đầu các cơ quan về vấn đề này; đồng thời, làm rõ trong thời gian chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết thì “khoảng trống” đó Chính phủ đã giải quyết như thế nào trong điều hành, quản lý, áp dụng pháp luật và đã có giải pháp thiết thực nào để khắc phục.
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương bày tỏ, bà “giật mình” vì tỷ lệ văn bản hướng dẫn chậm ban hành lại cao đến như vậy. Bà đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát, làm chặt ngay từ khâu chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật, kiên quyết bỏ ra ngoài những dự án chuẩn bị sơ sài, không đầy đủ thủ tục.
Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét, nếu không khắc phục được tình trạng trên thì khi ra được nghị định, có khi luật đã lỗi thời và phải sửa./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam