Chi ngân sách nhà nước còn để xảy ra lãng phí

Chiều 19/9, tiếp tục chương trình Phiên thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2013 việc sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm kinh phí, hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định, các đoàn đi công tác, học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm trong nước và nước ngoài. Ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên tạo nguồn cải cách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng.

Theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước mua mới 168 xe ô tô, với nguyên giá 219,3 tỷ đồng; mua mới các loại tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên là 106 tài sản, với nguyên giá 982 tỷ đồng.

 

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo cáo của Chính phủ 
về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2013, có 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã xây dựng và đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết giảm chi phí quản lý, với tổng số tiền 11.816 tỷ đồng.

Công tác thẩm tra, xét duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2013 đã góp phần tiết kiệm được cho NSNN trên 835 tỷ đồng. Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã thẩm tra, duyệt quyết toán vốn đầu tư của 10.367 dự án, số vốn tiết kiệm được trên 413 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, có 52 địa phương đã tiến hành 409 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý đất đai, qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 51,3 tỷ đồng, 445 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 72 cá nhân có vi phạm.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ: trong Báo cáo mới chỉ nêu được con số tiết kiệm, nhưng không nêu con số lãng phí là bao nhiêu để có thể cân đối giữa được và mất. Báo cáo cũng chưa nêu được tác động trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cắt giảm đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Việc một số công trình XDCB bị hoãn, dừng, đình chỉ ảnh hưởng ra sao thì cần phải làm rõ trong báo cáo để Quốc hội xem xét tính toán lại, vì vấn đề này hiện một số địa phương rất kêu khi công trình XDCB bị hoãn, dừng đã gây lãng phí, thất thoát ngân sách không nhỏ.

Bên cạnh đó, ông Ksor Phước cho rằng Báo cáo cần phải chỉ đích danh những đơn vị nào gây lãng phí, thất thoát, để kịp thời nhắc nhở những người đứng đầu thấy rõ trách nhiệm. “Tôi đi nhiều địa phương vẫn thấy tình trạng lãng phí còn nhiều. Chẳng hạn vấn đề xây dựng công sở, đi cơ sở thấy nhiều tỉnh làm rất nghiêm túc, công năng sử dụng tối đa, thế nhưng có những trụ sở được xây dựng như cung điện lộng lẫy, xa hoa. Dân còn nghèo có cần thiết phải xây những trụ sở như vậy không. Xây như vậy là rất phản cảm. Tôi cho rằng cần phải kiểm điểm nghiêm túc vấn đề này, phải có cơ chế kiểm soát, và cần phải chuẩn hóa xây dựng công sở, đặc biệt công bố công khai cho dân biết” – Ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, chi chuyển nguồn lớn và không giảm, gây lãng phí NSNN ở một số địa phương. Và mặc dù có nhiều chuyển biến, song lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB vẫn là điểm đáng chú ý, tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để, gây lãng phí còn diễn ra ở một số địa phương.

Thêm nữa, tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi NSNN đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, gây lãng phí.

Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có kết quả tốt về tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh trong năm 2013. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm toán của cơ quan chức năng cho thấy công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp còn có một số bất cập, như: Công tác quản lý nợ còn chưa chặt chẽ, hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn chưa cao,...

Cũng trong buổi chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), trong đó tập trung bàn về nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ; về cơ chế phát hiện, phản ánh, tố giác hành vi lãng phí; về xử lý vi phạm; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam