Phiên họp thứ 21 của UBTVQH khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006.
Theo tờ trình của Chính phủ, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật BVMT đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động phát triển. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong dân chúng và nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với vấn đề môi trường.Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện, Luật BVMT còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập. Đó là tình trạng báo động vì ô nhiễm có tốc độ gia tăng cao do các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa hiệu quả; các hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết bảo vệ môi trường, mặc dù đã được cải tiến nhưng chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả; các vấn đề phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về môi trường còn chưa hợp lý, hoặc chồng chéo… Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật BVMT nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác BVMT, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với các luật khác như: Luật Đất đai, Luật Thuế, ...
Cân nhắc thêm một số nội dung về phạm vi điều chỉnh
Về việc sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về hoạt động BVMT; chính sách, biện pháp và nguồn lực để BVMT; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong BVMT.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), phạm vi điều chỉnh của Luật BVMT năm 2005 không có mâu thuẫn, chồng lấn với đại đa số các luật chung đã được rà soát, nhưng lại có sự chồng lấn với các luật về tài nguyên và đa dạng sinh học. Cụ thể là sự trùng lặp với Luật Tài nguyên khi quy định tại Điều 3, khoản 3 với nội dung: "khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học". Bởi vậy, về phần phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cần phải có những điều chỉnh gọn, cô đọng, súc tích hơn, tránh trùng lặp với các luật khác.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, phạm vi của Luật quá rộng, nếu bao quát hết phải là bộ luật, còn không phải tách riêng thành luật khác. Ngoài ra, mối quan hệ giữa luật này với các luật khác phải được rà soát, nghiên cứu thêm, vì nhiều quy định còn mâu thuẫn, thậm chí trái nhau như: Quy định về ngân sách, thuế, phí…Cụ thể, dự thảo Luật có dành cả một chương nói về nguồn tài chính BVMT, các vấn đề về ngân sách, các khoản chi… như vậy là chưa thật hợp lý. Nội dung này nên quy định trong Luật Ngân sách thì phù hợp hơn. Bởi vậy, ông Phan Trung Lý đề nghị, cần phải rà soát và điều chỉnh lại vấn đề trên trong dự thảo Luật.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, dự thảo Luật vẫn chưa thấy mục nào đề cập đến việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, trong khi Luật có đề cập nhiều đến việc lập các quỹ tài chính, chủ yếu để chi vào việc bảo vệ môi trường.
Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, mỗi năm, tại nhiều nơi trên địa bàn cả nước xảy ra hàng chục vụ nổ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh do người dân khai phá đất đai, thu gom vật liệu nổ. Như vậy, cần phải khắc phục và giải quyết hậu quả môi trường của vấn đề trên như thế nào? Ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, cần bổ sung thêm vấn đề khắc phục hậu quả vào dự thảo Luật, nhằm bảo đảm khắc phục thiệt hại cho người dân về môi trường sống.
Cần thiết phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư
Về các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), UBTVQH cho rằng, khác với Luật BVMT năm 2005 giao Chính phủ quy định các dự án phải lập ĐTM, dự thảo Luật này quy định cụ thể 03 nhóm dự án cần phải lập ĐTM, bao gồm: Nhóm dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nhóm dự án sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng; nhóm dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội do Chính phủ quy định. Quy định này có tính toàn diện hơn, không bỏ sót các dự án cần lập đánh giá tác động môi trường và giới hạn các dự án phải lập đánh giá tác động môi trường.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định các dự án có quy mô lớn, có khả năng tác động nhiều mặt tới môi trường đều phải thực hiện ĐTM theo 2 bước gồm: Đánh giá tác động môi trường sơ bộ và đánh giá tác động môi trường, hạn chế tối đa việc đã lập dự án cụ thể và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng dự án không được phép thực hiện. Dự thảo Luật cũng bỏ các quy định về kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của đánh giá tác động môi trường do hiệu quả triển khai thấp trên thực tế và sẽ được thay thế bằng kế hoạch BVMT.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng: Việc lập ĐTM không chỉ cần cho người phê duyệt mà cần cho cả chủ đầu tư nhằm bảo đảm chất lượng của dự án. Bởi vậy, không nên đặt vấn đề có làm ĐTM hay không làm ?
Ông Đào Trọng Thi cũng nhấn mạnh, việc lập ĐTM đối với dự án đầu tư cần thiết phải làm theo 2 bước (sơ bộ và chính thức). Trong đó, cần quy định, có đánh giá tác động sơ bộ nhưng nên quy định quy trình thủ tục có sự phân loại đối với các dự án khác nhau. “Cho dù là đánh giá tác động môi trường sơ bộ thì cũng phải quy định mức độ xin ý kiến, thẩm định (như xin ý kiến chuyên gia, cơ quan chuyên môn, tổ chức khoa học). Đây là việc làm thông lệ ở nhiều nơi, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh đối với các giải pháp bảo vệ môi trường”.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề bảo vệ môi trường, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, Luật hiện hành vẫn chưa thấy rõ được điểm yếu nhất về quản lý nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường nằm ở điểm nào, để từ đó có giải pháp, chế tài phù hợp.
Ông Ksor Phước nhấn mạnh, khi xảy ra sự cố về môi trường, Luật chỉ quy định trách nhiệm thuộc về lực lượng cảnh sát môi trường. Như vậy là không hợp lý, mà phải toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Do đó, ông đề nghị, Luật cần trao quyền cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời sự cố về môi trường khi không có lực lượng cảnh sát môi trường tại nơi đó.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những tồn tại trong bảo vệ môi trường hiện nay liên quan chế độ và trách nhiệm. “Cụ thể, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản hiện nay dẫn đến ô nhiễm môi trường thì sẽ xử lý thế nào? Vấn đề này vẫn chưa được làm rõ. Việc cấp phép tràn lan dẫn đến làm phá hoại môi trường thì trách nhiệm thế nào? Những vi phạm thấy rõ mà không giải quyết thì trách nhiệm đến đâu ?”.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Luật BVMT (sửa đổi) cần quy định rõ việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, đơn vị khi để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường và khắc phục những yếu kém của Luật hiện hành trước khi trình ra Quốc hội./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam