Theo số liệu các địa phương, cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Đoàn giám sát, số lượng cán bộ, công chức được tuyển dụng đến ngày 31/12/2012 là 524.481 người với số lượng tiến sĩ chiếm 0,4%; thạc sĩ 3,7%; cử nhân đại học 52,5%. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên một bước. Số lượng viên chức là 1.699.288 người với 0,7% tiến sĩ; 4,2% thạc sĩ; cử nhân chiếm 43%. Tỷ lệ tuyển dụng tăng dần qua từng năm.
Song, qua 3 năm (từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2012) thực hiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ một số bất cập, trong đó đáng lưu ý là việc phân bố không đồng đều về cơ cấu bậc, ngạch; trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng cán bộ, công chức ở các địa phương cũng chênh lệch khá lớn. Công tác quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức cũng có những hạn chế nhất định; việc thanh, kiểm tra chưa sâu sát, thường xuyên nên còn có những hiện tượng tiêu cực được dư luận, công luận phản ánh nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Hiện nay, chưa có cơ chế thực sự thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về làm việc tại địa phương; việc tuyển dụng viên chức hiện nay vẫn chú trọng đến bằng cấp và kiến thức về quản lý nhà nước nói chung...
Số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%?
Ngay từ đầu phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt vấn đề: “Dường như quy trình bổ nhiệm cán bộ năm 2013 vẫn chẳng khác gì năm 1993, như vậy 20 năm vẫn giữ một quy trình. Có bao nhiêu cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ?”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI chỉ rõ "một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ...”. Vậy qua giám sát thì kết quả như thế nào?.
Trả lời những câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Đoàn giám sát Phan Trung Lý cho biết: “Đến đâu Đoàn giám sát cũng yêu cầu cung cấp số liệu đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công viên chức, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo. Các địa phương đều nói do thiếu tiêu chí đánh giá cụ thể nên rất khó nói bao nhiêu % bảo đảm được tiêu chuẩn, bao nhiêu không”.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thông tin: Về trình độ cán bộ công chức, viên chức, chưa có dữ liệu để tổng hợp đúng, trúng trình độ của cán bộ, công chức từ Trung ương tới cấp huyện. Báo cáo về số liệu chưa có được sự thống nhất để đánh giá và phân loại. Hiện tại, Bộ Nội vụ đang xây dựng phần mềm cập nhật số liệu về đội ngũ cán bộ công viên chức.
Đề cập đến số liệu có bao nhiêu % cán bộ công chức bảo đảm được tiêu chuẩn, bao nhiêu yếu kém, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, đây là nội dung xã hội đang quan tâm, đặc biệt trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ cũng kiểm điểm nội dung này. Gần đây, Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, tỉnh, thành phố có báo cáo phân tích số lượng đến ngày 31-12-2012. Tuy nhiên, số liệu các địa phương gửi lên chưa đầy đủ, nhưng theo báo cáo của các tỉnh đến nay thì số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%.
Băn khoăn về quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm công chức
Liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước phản ánh: Theo Danh bạ điện thoại công tác thì có Bộ có tới 11 thứ trưởng, có Tổng cục có đến hàng chục phó, mà lẽ ra theo quy định chỉ có 4. Vậy trách nhiệm của Bộ Nội vụ như thế nào?
Ông Ksor Phước bày tỏ quan ngại về nguyên tắc bình đẳng giới và lực lượng cán bộ dân tộc thiểu số trong công tác tuyển dụng tại các địa phương. Theo ông, trong đội ngũ viên chức, nữ đông hơn ở địa phương, nhưng công chức là dân tộc thiểu số thì “cực kỳ” ít và được phân bổ không đồng đều tại các địa phương.
Cho rằng các bộ, ngành đều đưa ra quy định, tiêu chí chuẩn để tuyển chọn cán bộ, nhưng ông Ksor Phước cũng băn khoăn qua giám sát không biết các các khối, tổ chức xã hội... đã thực hiện được hết chưa? Theo ông Ksor Phước, phải có chuẩn khi tuyển chọn vào. Ở đây, Bộ Nội vụ cũng chưa xâu chuỗi và chưa có chuẩn chung quốc gia.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi lại cho rằng không thể có quy định chung về tiêu chuẩn, tiêu chí cho những ngành khác nhau và cơ quan khác nhau. Bởi, không thể có cùng một tiêu chí chung cho tất cả các loại đối tượng (làm việc cho doanh nghiệp, cho đơn vị sự nghiệp, cho cơ quan…)
Ông Đào Trọng Thi cũng đề nghị, cần khắc phục tình trạng một số địa phương đưa ra chế độ chính sách rất hấp dẫn thu hút người tài nhưng thu hút về rồi lại không biết bố trí việc gì cho người ta, để họ “ngồi chơi, điếu đóm”, chán lại bỏ đi nơi khác. Vì vậy, để tránh làm việc theo phong trào, từng cơ quan nên xem mình có nhu cầu thực sự hay không? “Chế độ lương bổng không phải là cái chính, cái chính là phải tạo môi trường, điều kiện cho người tài phát triển” – ông Thi nói./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam