Có nên mở rộng phạm vi công chứng?

Chiều 18/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng.

Luật Công chứng được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/ 6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

Theo tờ trình của Chính phủ, sau 6 năm thi hành, Luật công chứng đã tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động công chứng và các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật công chứng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập.

Ngoài nguyên nhân công tác quản lý thời gian đầu chưa theo kịp với thực tiễn xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động công chứng, thì nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do nhiều quy định của Luật công chứng đã không còn phù hợp hoặc thiếu; một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về hành nghề công chứng. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật công chứng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật công chứng hiện hành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với các luật khác như Luật đất đai, Bộ luật dân sự, Luật nhà ở.

Bổ sung quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng (Điều 6), Dự thảo Luật quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng theo hướng hợp đồng đã được công chứng có giá trị thi hành đối với các bên tham gia ký kết. Trường hợp các bên ký kết hợp đồng có thỏa thuận về quyền yêu cầu thi hành hợp đồng mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành hợp đồng đó, trừ trường hợp có tranh chấp liên quan đến hợp đồng và Tòa án đã tiến hành việc thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành hợp đồng đã được công chứng là không phù hợp với nhiều quy định hiện hành của pháp luật về dân sự, thi hành án dân sự. Bởi lẽ, Luật thi hành án dân sự chỉ mới quy định cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, quyết định của Trọng tài thương mại và quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Mặt khác, nội dung của các giao dịch dân sự rất phong phú, đa dạng và diễn biến phức tạp; việc công chứng của công chứng viên đối với hợp đồng chỉ có thể bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng và thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ của các bên tại thời điểm hợp đồng, thỏa thuận được giao kết. Do đó, nếu giao cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành nghĩa vụ theo hợp đồng của các bên tham gia mà không qua cơ chế tài phán (Tòa án hoặc trọng tài) thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan này vì phải xác minh xem việc yêu cầu thi hành các nghĩa vụ dân sự nói trên tại thời điểm có yêu cầu thi hành có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng việc quy định như trên sẽ gây ra những khó khăn nhất định. Ông Hiển đặt vấn đề: Hợp đồng công chứng có giá trị thi hành với các bên tham gia ký kết. Vậy các hợp đồng kinh tế mua bán không có công chứng có giá trị không? Vì vậy, theo ông Hiển cần phải làm rõ vấn đề này.

Khó có thể bảo đảm chất lượng các bản dịch được công chứng sẽ tốt hơn

Về việc sửa đổi, bổ sung các quy định về phạm vi công chứng (Điều 2 của Luật công chứng), Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi Điều 2 theo hướng mở rộng phạm vi công chứng, theo đó cùng với việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác, công chứng viên được giao thẩm quyền chứng nhận tính xác thực của bản dịch; đồng thời, quy định công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và tính xác thực của giấy tờ được dịch, về tư cách pháp lý của người dịch và trình tự, thủ tục công chứng bản dịch, còn người dịch chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bản dịch.

Qua thảo luận, bên cạnh ý kiến tán thành với chủ trương được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, cũng có kiến trong Ủy ban Pháp luật Quốc hội còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này, bởi lẽ dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao, nội dung được dịch thuật cũng như các ngôn ngữ có thể có yêu cầu dịch rất đa dạng, phong phú. Do đó, yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm hoàn toàn hoặc liên đới cùng với người dịch về tính hợp pháp, tính xác thực của các giấy tờ, nội dung được dịch sẽ vượt quá khả năng của những người này, trong khi tiêu chuẩn của công chứng viên tại Điều 13 của Luật cũng không đòi hỏi công chứng viên phải biết ngoại ngữ. Các ý kiến này cho rằng, chất lượng các bản dịch thời gian qua không cao là do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, yêu cầu và trách nhiệm của đội ngũ dịch thuật viên còn chưa rõ ràng, thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vì vậy, việc chuyển trách nhiệm chứng thực bản dịch từ Phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện sang cho các tổ chức hành nghề công chứng cũng khó có thể bảo đảm chất lượng các bản dịch được công chứng sẽ tốt hơn vì bản chất của vấn đề phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ dịch thuật viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng băn khoăn không hiểu sao cứ phải chuyển bản dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng?. Theo ông Hiện, hiện nay có hơn 700 tổ chức hành nghề công chứng, nhưng chỉ tập trung ở nơi có điều kiện kinh tế phát triển, nếu bỏ thẩm quyền bản dịch của Phòng tư pháp chuyển về cho các tổ chức công chứng thì người dân phải đến đâu khi nhiều nơi chưa có công chứng. Vì vậy, ông Hiện cho rằng nên giữ quy định như hiện nay, như vậy có lợi cho dân hơn.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: Từ năm 2007 cả nước chỉ có 84 Phòng công chứng. Từ khi giao bản dịch cho Phòng Tư pháp chỉ chứng thực chữ ký thôi, rất khó quản lý, trong khi cơ quan nhà nước nhận được những bản dịch chất lượng không ra sao. Bây giờ đã có 704 tổ chức công chứng, còn theo quy hoạch thì phát triển thêm rất nhiều nữa, đến năm 2015 các huyện đều có tổ chức hành nghề, nơi nào không lập Văn phòng thì UBND tỉnh phải lập Phòng Công chứng vì vậy không cấn phải quá lo ngại việc người dân khó công chứng bản dịch tại địa phương.

Sau 5 năm thi hành Luật công chứng, cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 Phòng công chứng và 487 Văn phòng công chứng, tăng 4,77 lần so với thời điểm trước khi Luật công chứng có hiệu lực. Đến năm 2012, tổng số công chứng viên được bổ nhiệm là 1.606 người (tăng 1.213 người).

Trong 5 năm thi hành Luật công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được 6.964.014 việc; tổng số phí công chứng thu được là 2.577.497.952.000 đồng. Hiện, 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hoá.

 Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam