Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương trình bày Báo cáo về công tác đấu tranh phòng,
chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013 và kết quả thực hiện
Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Tội phạm giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình tội phạm đã được kiềm chế, nhiều loại tội phạm giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế với nhiều loại tội phạm giảm như: giết người giảm 0,55%; chống người thi hành công vụ đã giảm 6,54%; đánh bạc giảm 16,6%; cướp tài sản giảm 15,3% ... Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có xu hướng phức tạp trở lại tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu vực địa bàn giáp ranh hoạt động chủ yếu dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cho vay nặng lãi, cá độ; trong khi đó tội phạm về trộm cắp; cưỡng đoạt tài sản tăng; tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để rút tiền mua hàng hóa diễn ra nghiêm trọng ... Do tình hình khó khăn của nền kinh tế và thắt chặt tín dụng nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản lâm vào tình trạng khó khăn với hàng tồn kho nhiều, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất kinh doanh dẫn đến loại tội phạm lạm dụng tín nhiệm, chiếm dụng vốn lẫn nhau, vốn ngân hàng có chiều hướng gia tăng; tội phạm tham nhũng nhất là tham ô, môi giới, nhận hối lộ phát hiện ở nhiều lĩnh vực...gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với một số cơ quan nhà nước; tội phạm về môi trường nổi lên; tình trạng khai thác trái phép khoáng sản diễn ra ở nhiều nơi; xu hướng sản xuất, mua bán ma túy tổng hợp dạng đá tăng nhanh tại các thành phố lớn với phương thức ngày càng tinh vi, chống trả quyết liệt; số lượng thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong khi cảnh báo về vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức...
Về công tác thi hành án dân sự (THADS), tính đến ngày 31/7/2013, toàn ngành tư pháp đã thi hành xong 356.701 việc, tăng 65.863 việc (22,6%) so với cùng kỳ năm 2012, đã thi hành được trên 18.037 tỷ đồng, tăng 10.682 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012); số có điều kiện thi hành về việc và về tiền chiếm tỷ lệ cao hơn những năm trước. Song, tình trạng chậm ra quyết định thi hành án vẫn chưa được khắc phục.
Theo báo cáo công tác ngành TAND, năm 2013 toàn ngành đã giải quyết được 270.100 vụ án các loại trong tổng số 356.650 vụ án đã thụ lý; số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn luật định. Số vụ án thụ lý và giải quyết đều tăng so với năm 2012; tỷ lệ ra quyết định thi hành án hình sự đạt gần 100%. Dự kiến tính đến hết tháng 9, toàn ngành sẽ giải quyết đạt trên 85% số vụ án thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn chưa được như mong muốn; còn gần 600 vụ án quá hạn luật định...
Trong năm 2013, tổng số vụ án hình sự ngành kiểm sát khởi tố mới cũng tăng so với năm 2012. Trong số này có nhiều vụ án gây thất thoát lớn về tài sản nhà nước, gây bức xúc trong xã hội...Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng pháp luật đều tăng trên 90%. Các kháng nghị đa số được tòa án chấp nhận...
Cần làm rõ nguyên nhân
Tham gia ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng báo cáo vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong toàn xã hội thời gian qua.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Nga nhìn nhận, dường như các cơ quan tư pháp đánh giá tình hình chưa sát thực tiễn và cần phải có dự báo tiềm ẩn về tình hình an ninh trật tư; có bỏ lọt tội phạm không, có tiêu cực trong hệ thống tư pháp hay không?
Đề cập đến tình trạng bỏ lọt tội phạm thông qua xử lý vi phạm hành chính, tiến độ khởi tố điều tra vẫn còn “vấn đề “như vụ chìm canô tại Cần Giờ, mặc dù còn hạn nhưng không thể kéo dài quá lâu... bà Nga đề nghị các cơ quan có báo cáo rõ về các vấn đề này.
Bày tỏ sự vui mừng trước tình hình tội phạm đặc biệt là tội phạm trật tự xã hội đã được ngăn chặn, đẩy lùi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng có được sự chuyển biến trên là do Quốc hội lần đầu tiên ra Nghị quyết 37 có tác động lớn đến các cơ quan trong hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa cũng cho rằng cần phải bổ sung một số nội dung để báo cáo Quốc hội đầy đủ hơn. Cụ thể, về tội phạm an ninh quốc gia xem đấu tranh và diễn biến thế nào trong các năm vừa qua; cũng như đánh giá tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở nhiều vùng đặc biệt là các thành phố lớn, vùng tiếp giáp còn phức tạp, các băng nhóm tội phạm lộng hành, ngang nhiên làm cho tình hình phức tạp gây bức xúc xã hội, dư luận quan ngại. “Vậy nguyên nhân phát sinh tội phạm và nguyên nhân quản lý nhà nước còn hạn chế là gì?” – ông Khoa đặt vấn đề.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lại tỏ ra băn khoăn khi Chính phủ nhiều năm nay vẫn chưa đánh giá hiệu quả phòng chống tội phạm đi đến đâu, đi vào cuộc sống như thế nào, kết quả đạt được có tương xứng hay không và các biện pháp phòng ngừa đã đủ để ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật hay không?.
Theo ông Quyền, công tác phát hiện, xử lý tội phạm ngày càng tiến bộ, tuy nhiên nhiều tin báo tội phạm xử lý còn quá thời hạn luật định dẫn đến bỏ lọt tội phạm; công tác trinh sát điều tra còn yếu ... Dẫn chứng có tỉnh trong 2,5 năm mới phát hiện ra 1 vụ tham nhũng, kinh tế. Đặc biệt, quá trình điều tra đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế còn kéo dài , theo ông Quyền cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn. Từ thực tế giám sát tại các địa phương, ông Quyền phản ánh VKS địa phương rất lười ra kháng nghị “ đây là hiện tượng không bình thường” – ông Quyền nói. Theo đó, kiến nghị cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng kháng nghị để một mặt bảo đảm tính ổn định xã hội, mặt khác tránh việc phải xét xử lại nhiều lần gây tốn kém.
Về báo cáo của TAND, theo ông Quyền, chất lượng xét xử đã được thực hiện theo Nghị quyết 37, tuy nhiên tình trạng cho hưởng án treo, đặc biệt là các tội phạm có chức vụ còn có biểu hiện nương nhẹ, không đúng pháp luật. Ông Quyền cho biết, khi giám sát, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã đề nghị với TANDTC thanh tra lại các vụ án này.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành tư pháp trong công tác THADS, ông Quyền cho rằng tuy không đạt được tinh thần theo Nghị quyết 37 nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, giá trị tuyệt đối của số tiền đã cao hơn trong năm trước là điểm tích cực . Song, ông Quyền đề nghị VKS phải giám sát chặt chẽ hơn về công tác phân loại án theo hướng phân loại kỹ án có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cũng chỉ ra còn rất nhiều vi phạm trong y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, tài nguyên môi trường, khoáng sản chưa thấy phản ánh, đây là thiếu sót, không nên chỉ đổi lỗi cho các cơ quan tư pháp. Ông Đương nhấn mạnh, Chính phủ phải chỉ đạo các Bộ, ngành thường xuyên thanh kiểm tra trong lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, ông Đương cũng nêu rõ, án tham nhũng phát hiện còn yếu, chủ yếu là tham nhũng “vặt”, những vụ lớn không phát hiện ra; cơ chế tự phát hiện dường như vô hiệu, còn có chiều hướng bao che.
Cho rằng báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp nêu về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có chuyển biến nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn chưa đạt yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo phải thể hiện được tình hình tốt hơn hay không, có tạo được sự chuyển biến rõ rệt hay không?. Chỉ ra gần đây tình trạng tội phạm gia tăng trong các lĩnh vực đều có, đặc biệt trong cả nhà trường, gia đình; án treo còn nhiều; VKS cũng chưa nói rõ hoạt động kiểm sát tốt hay xấu;…, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan tư pháp cần đánh giá đúng rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm trong lĩnh vực mình quản lý; cần tìm nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó chú trọng đến việc thực thi từ điều tra đến công tố, thi hành án của các cơ quan tư pháp có nghiêm chỉnh không?.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam