Làm sâu sắc hợp tác chiến lược Việt-Nga về giáo dục, KHCN

Tiếp tục chương trình công tác tại Liên bang Nga, ngày 16-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói chuyện với những sinh viên ưu tú
của Đại học Tổng hợp Tài chính được nhận học bổng của Chính phủ Nga.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực tài chính và giao thông vận tải

Tại Đại học Tổng hợp Tài chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao bề dày lịch sử trên 100 năm của nhà trường. Phó Thủ tướng đã đặt vấn đề trao đổi với bạn những yêu cầu mới trong đào tạo nhân lực cho ngành tài chính của Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo nhà trường, Hiệu trưởng Mikhain Abdurakhmanovich Eskindarov đã trao đổi và thảo luận kinh nghiệm xử lý quỹ lương hưu và bảo hiểm xã hội, tái cơ cấu ngân hàng tại Nga cũng như nhiều vấn đề lớn liên quan đến kinh tế vĩ mô mà 2 bên cùng quan tâm để các đơn vị nghiên cứu và đào tạo phía Việt Nam cùng tham khảo kinh nghiệm, chủ động tham mưu với lãnh đạo Chính phủ…

Trong nhiều năm qua, Đại học Tổng hợp Tài chính đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 400 chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Nhiều cán bộ Việt Nam tốt nghiệp tại Trường đã và đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp trong các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… của Việt Nam. Hiện nay, Đại học Tổng hợp Tài chính có quan hệ chặt chẽ với Học viện Ngân hàng của nước ta.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Đường sắt
Moscow. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tới thăm Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Đường sắt Moscow, nơi có bề dày truyền thống lâu đời và là đối tác tin cậy, thân thiết của nhiều trường đại học kỹ thuật Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao và cho rằng sự hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo cán bộ của Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Đường sắt Moscow đối với Đại học Giao thông vận tải nói riêng, đối với ngành Giao thông vận tải Việt Nam nói chung rất to lớn và có hiệu quả.

Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Đường sắt Moscow và Đại học Giao thông vận tải Việt Nam đã và đang có rất nhiều chương trình, dự án hợp tác như “Dự án đào tạo hai giai đoạn kỹ sư chuyên ngành đường hầm, metro”, tiếp nhận giảng viên và sinh viên từ Đại học Giao thông vận tải sang học tập và nghiên cứu; cử các Giáo sư sang giúp đỡ các bộ môn của Đại học Giao thông vận tải xây dựng chương trình đào tạo; phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế chung về lĩnh vực xây dựng đường sắt, khai thác và vận hành hệ thống đường sắt, thông tin-tín hiệu đường sắt, đầu máy-toa xe…

Phó Thủ tướng mong muốn Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Đường sắt Moscow tăng cường hợp tác với Việt Nam để đào tạo đội ngũ chuyên gia về giao thông, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ kỹ sư có khả năng làm chủ và khai thác các thiết bị giao thông hiện đại. Tiến tới từng bước hoàn chỉnh và nâng cấp hệ thống đường sắt theo hướng hiện đại, quy hoạch hệ thống giao thông theo nhiều yêu cầu và mức độ khác nhau. Hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông; quy hoạch, quản lý, khai thác hạ tầng giao thông, giao thông thông minh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm do giao thông; và đặc biệt là hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo trong lĩnh vực tàu điện ngầm.

Cụ thể hóa 8 ưu tiên phát triển khoa học công nghệ

Hội thảo “Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ - Nền tảng
để phát triển bền vững đối tác chiến lược giữa Việt Nam và LB Nga”. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Dự và phát biểu tại Hội thảo “Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ - Nền tảng để phát triển bền vững đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ đây là sự kiện quan trọng góp phần cụ thể hóa những hợp tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam, trong đó có 2 mũi nhọn là giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra 8 lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam ưu tiên tập trung phát triển là: Công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp hàng không vũ trụ (trong đó có khai thác vệ tinh và định vị toàn cầu), năng lược mới, y dược, khoa học biển và kinh tế biển (ưu tiên nghiên cứu thiết kế tàu thủy), nghiên cứu và phát triển toán học và vật lý, nghiên cứu kinh tế phát triển của khu vực châu Á.

Phó Thủ tướng tin tưởng từ nay đến 2020, Việt Nam có thể cử được khoảng 4.000 sinh viên đến Nga để học tập, đào tạo ở trình độ cao. Đây sẽ nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng tốt nhất 8 lĩnh vực được ưu tiên nói trên.

Phó Thủ tướng mong muốn phía Nga dành sự quan tâm lớn và hỗ trợ tín dụng cần thiết cho Việt Nam triển khai thành công Dự án thành lập Trường Đại học Công nghệ Việt-Nga trên cơ sở nâng cấp Trường Đại học Lê Quý Đôn của Việt Nam theo văn bản đã ký ngày 24/10/2011 tại Moscow giữa Bộ Giáo dục hai nước.

Sự ra đời của Trường Đại học Công nghệ Việt-Nga sẽ là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ truyền thống hữu nghị và chiến lược toàn diện Việt-Nga trong lĩnh vực giáo dục và khoa học, Phó Thủ tướng nêu rõ. Đây là cơ sở đào tạo đầu tiên của Việt Nam được dạy bằng 2 thứ tiếng Việt Nam và tiếng Nga.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học
và Giáo dục LB Nga. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề cập tới việc hợp tác sâu với LB Nga về nghiên cứu và sử dụng điện hạt nhân tại Việt Nam và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; tăng cường giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam từ phổ thông đến đại học; xây dựng và triển khai một số chương trình nghiên cứu về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và vật lý.

Để triển khai nhanh và hiệu quả những yêu cầu lớn nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các học viện, nhà trường của Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các học viện, đại học của LB Nga để sớm hình thành những nhóm nghiên cứu hỗn hợp xuất sắc cùng thực hiện dự án hợp tác đồng bộ gồm đào tạo-nghiên cứu-phát triển công nghệ-tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam và Nga sẽ đồng sở hữu.

Phó Thủ tướng mong muốn Hội thảo sẽ làm rõ phương thức hợp tác theo đúng tinh thần đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam thông qua những hợp tác giữa 2 nước về khoa học công nghệ và giáo dục giai đoạn 2014-2020.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Giáo dục LB Nga cùng các nhà khoa học Nga xem xét tham gia nghiên cứu hậu quả chất độc da cam-dioxin ( tỷ lệ đất đai nhiễm độc, tỷ lệ người bị phơi nhiễm da cam, sự ảnh hưởng của chất độc da cam qua các thế hệ người Việt Nam); tăng cường hợp tác nghiên cứu sâu về hải dương học tại các bờ biển của Việt Nam; nghiên cứu dân số của Việt Nam và khu vực châu Á…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục LB Nga V. Kaganov đánh giá cao những mục tiêu cụ thể và phù hợp của Chính phủ Việt Nam đối với khoa học và giáo dục đào tạo. Trên cơ sở những thỏa thuận từ cấp Chính phủ, 2 nước sẽ có những hợp tác toàn diện, có hiệu quả trong nghiên cứu và phát triển khoa học cơ bản, tiến tới có những ứng dụng hiệu quả trên thực tế ngay trong giai đoạn 2014-2020.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Viện Sinh Hóa Hữu cơ. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm Viện Sinh Hóa Hữu cơ tại Thủ đô Moscow. Thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga.

Nguồn www.chinhphu.vn