Sáng 18/9, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình
Sáng 18/9, tiếp tục phiên họp thứ 21, UBTVQH cho ý kiến vào báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, 8 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả tích cực như: Việc xử lý sau thanh tra và kiểm toán có hiệu quả hơn, hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên.
Tuy nhiên Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xức trong dư luận và người dân. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội...
Về kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, Chính phủ cho hay, toàn ngành thanh tra phát hiện 73 vụ và 80 đối tượng tham nhũng
Nhận xét báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, báo cáo chưa đề cập đến vai trò của Ban chỉ đạo TƯ về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, báo cáo chưa đề cập đến công luận trong nước và thế giới đánh giá hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng như thế nào? Lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực, bao che, bỏ sót không? Có tiêu cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng không? Cơ quan chủ lực làm hết trách nhiệm chưa? Xử tham nhũng đã đúng chưa? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ, không tán thành với đánh giá “Người dân rất ít tham gia tố cáo tham nhũng” của cơ quan thẩm tra.
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng đưa ra nhận định rằng, thực trạng xử lý một số vụ tham nhũng chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Dư luận nhân dân cho rằng, với việc xử lý kỷ luật hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bao che, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, thực tế có nhiều vụ việc nghiêm trọng, kéo dài vẫn chưa xử lý được, làm giảm lòng tin của nhân dân. Hiện nay, tham nhũng lại diễn ra cả ở lĩnh vực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, người có công, giáo dục, y tế, văn hóa… “Có những vụ án thông tin đã đưa ra rồi, kể cả ý kiến của Chính phủ nhưng cả năm trời vẫn rơi vào im lặng. Chính sự im lặng đó khiến lòng dân không yên” – ông Ksor Phước chia sẻ.
Ông đề nghị cho biết rõ, tất cả các cơ quan chức năng nhận được bao nhiêu tin liên quan đến tham nhũng và xử lý như thế nào?; đồng thời, đề nghị làm rõ trong những vụ án nghiêm trọng thuộc Ban chỉ đạo TƯ chỉ đạo hoặc những vụ án liên quan đến cấp tỉnh quản lý thì có bao nhiêu vụ đã có ý kiến (bằng miệng, bằng văn bản) của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp và qua sàng lọc đó thì ý kiến như thế nào? Theo ông, phải làm rõ các cán bộ có chức, có quyền có can thiệp vào điều tra của các cơ quan không.
Tán thành với những ý kiến phát biểu trước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, báo cáo đã cố gắng tổng hợp tình hình, phân tích và nêu kiến nghị về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây là báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2013. Công tác này không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, nhưng báo cáo chưa đề cập đến hoạt động của các cơ quan khác trong nhiệm vụ này.
Ông cũng đề nghị làm rõ , tại sao dư luận nhiều, nhưng phát hiện và xử lý tham nhũng thì ít. Thêm vào đó, tham nhũng gây thiệt hại nhiều nhưng thu thu hồi ít, trong lĩnh vực đất đai càng ít. Qua thanh tra, kiểm tra, gần 15.000 vụ nhưng chuyển cho hình sự chỉ 36 vụ, còn lại xử lý hành chính hết. “Vậy xử lý hành chính có đúng không?".
Năm 2014, dự kiến kiểm toán 161 cuộc
Cuối buổi sáng nay, UBTQH đã cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán nhà nước năm 2014.
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn cho biết, dự kiến trong năm 2014, KTNN sẽ kiểm toán 161 cuộc, tăng 12 cuộc so với kế hoạch kiểm toán năm 2013. Cụ thể, cơ quan KTNN sẽ kiểm toán tại 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 15 bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 15 chuyên đề; 31 dự án; 1 chương trình mục tiêu quốc gia; 44 doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính, ngân hàng; 11 đầu mối lĩnh vực quốc phòng; 6 đầu mối an ninh; 2 đầu mối thuộc khối cơ quan Đảng và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Với số đầu mối dự kiến kiểm toán trên, trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, KTNN sẽ tập trung đánh giá công tác quản lý thu ngân sách theo Luật Quản lý thuế, phân tích cơ cấu các khoản thu, chú trọng khoản thu ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất; công tác quản lý, điều hành tái cấu trúc đầu tư công; công tác quản lý và sử dụng nguồn thu lệ phí, học phí, viện phí, thu dịch vụ và liên doanh, liên kết tại các ngành y tế, giáo dục, giao thông đang được dư luận xã hội quan tâm…
Về chuyên đề, KTNN sẽ kiểm toán hai chuyên đề gồm: Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2013 và Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2013.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và Chương trình, dự án quốc gia, KTNN sẽ đánh giá thực trạng đầu tư của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2013 và các thời kỳ trước, sau có liên quan, đặc biệt là tính hiệu lực, hiệu quả đối với việc thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTG ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn Trái phiếu Chính phủ, nhằm cung cấp thông tin để phục vụ tốt nhất cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành đối với nhiệm vụ tái cấu trúc đầu tư công và hoạt động giám sát của Quốc hội.
Trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính – ngân hàng, KTNN dự kiến đánh giá tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Thẩm tra kế hoạch kiểm toán nhà nước năm 2014, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí về đối tượng kiểm toán trong dự kiến.
Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí tại các bộ, ngành, địa phương, phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng và ban hành Luật phí và lệ phí; cân nhắc kiểm toán một số doanh nghiệp hoạt động công ích tại các thành phố lớn; đánh giá chính sách và thực hiện chính sách về tiền lương, biên chế đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Cân nhắc bổ sung kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí một số chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2013 đang được dư luận xã hội quan tâm như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu…
Về lĩnh vực doanh nghiệp, cơ quan thẩm tra đề nghị kiểm toán toàn bộ việc quản lý, sử dụng tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà và tiền đọc tài liệu để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia giai đoạn từ năm 2003 đến nay.
Về kiểm toán chuyên đề, cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét thực hiện kiểm toán chuyên đề về ưu đãi thuế; chuyên đề về quản lý, sử dụng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam