Có nên quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế?

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Tại phiên họp, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với quan điểm sửa Luật phải nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo cơ chế để huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng với người dân để thực hiện cơ bản việc mở rộng diện bao phủ tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Các ý kiến cho rằng bảo hiểm y tế thực chất là cơ chế tài chính chi trả trước nhằm mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng hiệu quả và phát triển. Vì vậy trong quá trình phát triển, cơ chế bảo hiểm y tế cần được sửa đổi kịp thời và thường xuyên để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn khác nhau.

Vấn đề quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo toàn Quỹ bảo hiểm y tế, quy định tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc… là nội dung được các đại biểu quan tâm. Dự thảo Luật quy định nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95% và nâng mức hưởng của người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100% để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng này. Đây là điều có nhiều ý kiến băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng nên cân nhắc kỹ về quy định mức cùng chi trả với hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công. Thời gian qua, việc thực hiện cùng chi trả đã dần ổn định, góp phần cho việc chống lạm dụng quỹ BHYT và bảo đảm an toàn Quỹ, mặt khác cần phải đảm bảo sự công bằng về mức hưởng thụ bảo hiểm y tế giữa người nghèo, thân nhân người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo. Do đó, nên quy định tất cả các đối tượng này giữ ở mức cùng chi trả 5% là hợp lý. Song, để khắc phục việc người nghèo khó khăn khi cùng chi trả 5%, nên quy định theo hướng 5% này sẽ do Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ cùng chi trả để tránh lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn về việc sửa Luật có tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế hay không. Dự thảo sửa đổi lần này mở rộng diện đối tượng tham gia không phải trả tiền và trả tiền thấp nhiều hơn, trong khi việc mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc là rất ít, chi phí dịch vụ y tế và giá thanh toán chữa bệnh tăng lên, mức đóng bảo hiểm chưa tăng thì chưa thể đảm bảo an toàn Quỹ. Chủ tịch yêu cầu cần tính toán đến khả năng an toàn của Quỹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại hiện nay ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho khoảng 70% số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế với số tiền chiếm tới 45% tổng số thu bảo hiểm y tế, với những sửa đổi này thì quỹ bảo hiểm chưa vỡ ngân sách đã vỡ. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng ngay bản thân Quỹ bảo hiểm y tế hiện nay tuy có kết dư nhưng cũng hết sức mong manh, kết dư chủ yếu do hơn 10 năm chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dự báo 2013 và 2014 sẽ không còn kết dư nhiều. Do vậy, cần tính toán, cân nhắc thêm, phải tính ngay từ nguồn đầu vào là số tiền đóng bảo hiểm phải nâng lên, trong đó có tính đến lộ trình tăng dân số, tăng thu nhập, tăng tỷ lệ người nghèo.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, mức hưởng tăng lên, mức chi trả ít đi, bài toán quan trọng nhất là sức chịu đựng của Quỹ bảo hiểm y tế, nếu vỡ quỹ sẽ gây mất ổn định an ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan liên quan có báo cáo giải trình thêm về việc bảo đảm an toàn Quỹ.

Về vấn đề này, đại diện các ngành khẳng định, sửa đổi Luật sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách. Để cân đối nguồn quỹ, các cơ quan liên quan đã thẩm định rất kỹ, từ nay đến năm 2015 có thể đảm bảo cân đối được nguồn Quỹ, khi tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ được bảo đảm an toàn.

Về quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, nhiều ý kiến đề nghị xem lại tính khả thi của quy định này. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế có khả thi hay không là vấn đề còn nhiều câu hỏi đặt ra. Không bắt buộc sẽ không thể tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Luật không bắt buộc sẽ chỉ có lựa chọn ngược, người ốm mới mua bảo hiểm và như vậy không đảm bảo tính chất chia sẻ trong cộng đồng. Theo Luật mới, bảo hiểm y tế là bắt buộc nhưng cũng phải linh hoạt.

Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thận trọng khi sử dụng từ ”bắt buộc” bởi đi liền với đó là phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hai bên. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định không thể bắt buộc mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, còn Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng thực ra đây là khuyến khích người dân tham gia, khuyến khích các hộ gia đình tham gia, không áp đặt và không thể sử dụng chế tài./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam