Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết
số 16/2008/NQ-CP về khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét sau 5 năm triển khai Nghị quyết 16/NQ-CP đã chuyển biến rõ rệt, số vụ ùn tắc giao thông giảm khoảng 50%. Phó Thủ tướng minh họa nếu như trước đây ông đi từ Văn phòng Chính phủ đến UBND TP Hà Nội họp mất 30 phút thì nay chỉ mất 15 phút.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy cùng với nhiều biện pháp ưu tiên nguồn lực cho phát triển giao thông, sau 5 năm Hà Nội đã đầu tư hoàn thành các tuyến đường vành đai với chiều dài khoảng 372 km, tăng 2,3%, nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị tăng từ 7% (năm 2008) lên 8,15% (năm 2013), xây dựng 7 cầu vượt kết cấu thép gắn với hệ thống đèn giao thông đã làm thay đổi đáng kể diện mạo giao thông.
TPHCM đã lắp 5 cây cầu vượt nhẹ, hệ thống phân làn, bảng thông tin điện tử phân luồng, tuyến. Đặc biệt ngoài lực lượng cảnh sát giao thông chủ chốt có mặt 24/24 giờ tại các điểm nóng thì các lực lượng dân phòng, sinh viên tình nguyện, thanh tra giao thông được bổ sung vào góp phần rất lớn cho giảm ùn tắc giao thông.
Với các giải pháp đồng bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng tình hình trật tự an toàn giao thông tại TP Hà Nội và TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay Hà Nội chỉ còn 57 điểm thường xuyên ùn tắc cục bộ so với 124 điểm vào năm 2008 (giảm 46%), TPHCM còn 76 điểm so với 120 điểm vào năm 2008, thời gian của các vụ ùn tắc giao thông cũng đã giảm nhiều, số lượng các vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút hầu như rất ít khi xảy ra.
Đề xuất thêm nhiều giải pháp
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng giải pháp thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP tại các địa phương có những điểm còn chưa đồng bộ, như việc di dời các trụ sở của các bộ, ngành chưa quyết liệt, việc lấn chiếm vỉa hè còn phổ biến, vấn đề quy hoạch bến xe đảm bảo thông tuyến, đặc biệt tại một số đô thị trực thuộc TW đã có dấu hiệu ùn tắc gia tăng. Do vậy Phó Thủ tướng yêu cầu cần có các giải pháp mạnh hơn nữa cũng như mở rộng triển khai tại các dự án giao thông trọng điểm quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, các thành phố trực thuộc TW thay vì tại TP Hà Nội và TPHCM như hiện nay.
Đại diện nhiều bộ, ngành cũng cho rằng cần có các biện pháp mới và quyết liệt hơn nữa trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Phó Thủtướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp
mạnh hơn nữa trong giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Theo đại diện Bộ Công an, giải pháp sử dụng xe buýt công cộng đến thời điểm này đã đạt ngưỡng, do vậy cần tính đến việc hạn chế các phương tiện cá nhân tại một số tuyến đường trong một số giờ cao điểm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn kiến nghị cần mạnh dạn xây các nút giao thông lập thể thay vì các cầu vượt nhẹ như hiện nay, nếu không vài năm nữa Hà Nội và TPHCM sẽ lại đối mặt với vấn nạn ùn tắc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề xuất: “Chúng ta đã thành công trong việc điều chỉnh giờ đối với các trường đại học, cao đẳng và học sinh tiểu học… nhưng hai khối cơ quan TW và cơ quan địa phương nếu có thể điều chỉnh chênh nhau 30 phút sẽ góp phần đáng kể giảm mật độ giao thông trong giờ cao điểm”.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng các địa phương cần tập trung tạo cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tham gia xây các bến đỗ xe, bởi việc triển khai xây dựng các bến đỗ xe tại hai TP như hiện nay là quá chậm, có thể ưu đãi về vị trí, đất đai, vốn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Hà Nội và TPHCM cần rà soát lại các nguyên nhân và giải pháp đã làm, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục có những giải pháp mới phù hợp trong bối cảnh hiện nay, kiên quyết xử lý các cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiếp tay cho các bến xe, lái xe vi phạm. Đồng thời, hai địa phương này cần triển khai quy hoạch bãi đỗ xe tĩnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành giao thông.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với hai TP nghiên cứu kiểm soát xe cá nhân, xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động vận tải hành khách.
Ngành Công an cần rà soát hệ thống biển báo cũng như lắp đặt bổ sung tạo điều kiện cho người tham gia giao thông dễ dàng. Bộ Xây dựng chủ trì cùng các bộ liên quan trong đề xuất cơ chế chính sách trong việc thúc đẩy nhanh tiến độ di dời các trụ sở, bệnh viện, trường học và ưu tiên cho giao thông tĩnh. Ngoài ra, các đơn vị thi công tại các dự án trọng điểm Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh cần có phương án thi công an toàn đảm bảo tốt nhất cho người tham gia giao thông.
Nguồn www.chinhphu.vn