Vấn đề hôm nay:

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa Trung thu

(NTO) Chỉ còn không đầy 10 ngày nữa là đến Tết Trung thu-Tết của thiếu nhi trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng. Không những vậy, đây còn là Tết chung của mọi nhà nhân "Hội trăng rằm" theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay. Và đây cũng là “mùa” làm ăn của các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm để phục vụ trung thu.

Có thể nói, không dưới hàng trăm loại bánh với đủ kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc, phẩm cấp… để phục vụ các “thượng đế”. Theo đó, giá tiền cũng tuỳ theo phẩm cấp, sang trọng phải tính đến tiền triệu/ bánh và nếu bình dân chỉ cần vài chục ngàn cũng có bánh để thưởng thức. Tất nhiên là chất lượng cũng khác nhau một trời một vực. Tuy nhiên điểm giống nhau là, liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Các doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu 2013
Ảnh: Văn Miên

Như đã nói ở trên, bánh trung thu đa dạng sắc màu nghĩa là cơ sở sản xuất đã phải sử dụng rất nhiều loại nguyên liệu từ động, thực vật để làm ra, nào là bánh chay, nào là bánh mặn cao cấp với bào ngư, vi cá, yến sào, thậm chí còn dát vàng cho tăng thêm phần "quý phái”…

Có điều “tuổi thọ” sử dụng hầu hết các loại bánh trung thu lại ngắn nếu môi trường bảo quản không đáp ứng yêu cầu. Và cũng không thể loại trừ tình trạng sử dụng các loại thực phẩm bẩn, kém phẩm chất, các loại ngũ cốc không đạt chất lượng do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao… Đó là chưa nói đến quá trình sản xuất còn sử dụng các loại chất cấm, độc hại, chất bảo quản để kéo dài “tuổi thọ” của bánh. Ngoài ra, bao bì sản phẩm, môi trường sản xuất… cũng đáng quan tâm. Nếu chủ các cơ sở sản xuất thiếu lương tâm, chạy theo lợi nhuận, làm “ảo thuật” trong mùa trung thu thì khó tránh khỏi tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với người tiêu dùng!

Vấn đề đặt ra là, ngoài việc tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh trung thu cần đặt sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết để tạo uy tín lâu dài… thì các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra từ nguyên liệu “đầu vào” đến “đầu ra” và lưu thông sản phẩm bánh trên thị trường. Qua đó công khai danh sách những cơ sở làm ăn chính đáng, đồng thời thông tin rộng rãi những cơ sở sản xuất, kinh doanh theo kiểu chụp giựt, gian dối… để mọi người biết, né tránh. Mặt khác, cần xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, bánh trung thu nói riêng.

Để có một mùa Trung thu an toàn, vui tươi, lành mạnh không gì khác hơn là rất cần có sự “đồng tâm” giữa người sản xuất với người tiêu dùng trong việc thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.