9 giờ sáng, chúng tôi đến điểm BĐVHX Phước Hải (huyện Ninh Phước), chỉ có một vài học sinh đến bưu điện truy cập Internet, ngoài ra, không thấy có khách hàng nào đến giao dịch như gọi điện, gửi thư, gửi bưu phẩm hay đọc sách, báo. Chị Bùi Thị Huỳnh Trang, nhân viên bưu điện cho hay, hiện nay chỉ có dịch vụ Internet là được sử dụng nhiều nhất, còn điện thoại hầu như không có ai sử dụng. Thỉnh thoảng mới có một vài khách hàng đến gửi tiền và bưu phẩm, số người đến đây đọc sách cũng rất hiếm. “May nhờ được đầu tư dịch vụ Internet nên bưu điện mới có người ra vào, chứ không thì hầu như không có hoạt động gì”, chị Trang bày tỏ.
Tủ sách tại điểm BĐVHX Phước Hải (Ninh Phước).
Tương tự như BĐVHX, hoạt động của các Điểm bưu cục cũng rất vắng vẻ. Theo phản ảnh của nhân viên tại hai Điểm bưu cục ở xã Cà Ná và Phước Diêm (huyện Thuận Nam) thì ở đây không có dịch vụ Internet và đọc sách, báo. Người dân vẫn còn sử dụng một số dịch vụ như gửi thư, bưu phẩm, chuyển tiền nhưng lượng khách đến giao dịch không nhiều. Ngoài ra, mỗi ngày cũng có 1-2 lượt người đến gọi điện thoại. Hiện nay, các điểm BĐVHX, bưu cục có thêm nhiệm vụ mới là chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH. Đa số nhân viên ở các điểm BĐVHX, bưu cục đều phải mở thêm các dịch vụ khác như bán thẻ cào điện thoại, vé xe, vé máy bay, các loại bảo hiểm… để có thêm thu nhập, ngoài số tiền lương ít ỏi là 850 ngàn đồng mỗi tháng.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bưu điện Ninh Thuận, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 41 điểm BĐVHX và 5 bưu cục. Trong đó, có 11 điểm BĐVHX đang tạm ngưng hoạt động do không có người làm. Trong số những BĐVHX còn hoạt động thì có 15 điểm có Internet. Các điểm BĐVHX được xây dựng cách đây hơn 10 năm nên cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí có nhiều điểm không thể ở được. Vì nguồn thu hạn hẹp nên ngành không có kinh phí để tu sửa. Các dịch vụ của BĐVHX hiện nay ít được khách hàng sử dụng do các dịch vụ tư nhân cạnh tranh mạnh mẽ. Mặc dù bưu điện cũng phối hợp với thư viện thường xuyên thay đổi đầu sách cho các BĐVHX nhưng rất ít người đến đọc. Hơn nữa, đa số các điểm BĐVHX có diện tích nhỏ hẹp, cơ sở vật chất lại không đảm bảo, một số điểm ở gần trường học nên không thể lắp đặt Internet để phục vụ rộng rãi cho khách hàng. Các dịch vụ ngày càng lạc hậu khiến hệ thống BĐVHX hoạt động không hiệu quả. Không những thế, chế độ phụ cấp của nhân viên BĐVHX quá thấp, không đảm bảo cuộc sống nên rất ít người có thể gắn bó lâu dài, mặc dù ngành đã tạo điều kiện để họ kiếm thêm thu nhập thông qua việc kinh doanh một số loại hình dịch vụ nhỏ khác. Theo ông Tiến, Nhà nước cần có chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới các trang-thiết bị, dịch vụ để BĐVHX tiếp tục phát huy hiệu quả, là điểm đến thường xuyên của người dân. Bên cạnh đó, tăng thêm mức phụ cấp cho nhân viên, tạo động lực để họ gắn bó và có trách nhiệm với công việc.
Ngày 2-8-2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 17/2013/TT-BTTTT quy định về hoạt động của BĐVHX. Theo nội dung thông tư thì đây là điểm được ưu tiên lựa chọn để cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong Chương trình viễn thông công ích; tổ chức triển khai các chương trình, dự án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn và các chương trình, dự án khác của Nhà nước về nông thôn…Theo đó, điểm BĐVHX sẽ được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất như tu sửa nhà cửa, nâng cấp hệ thống Internet… Nhân viên làm việc tại BĐVHX được hưởng thù lao cung cấp dịch vụ và các chế độ thù lao khác.
BĐVHX là một trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mong rằng, tinh thần Thông tư 17 sẽ sớm được triển khai để có thể khôi phục “sức sống” cho hệ thống BĐVHX nhằm phục vụ nhu cầu của người dân tốt hơn, đồng thời góp phần nâng cao dân trí cho các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.
Lan phương