Qua phân tích của các nhà chuyên môn, nhìn chung giá cả thị trường trong tháng biến động tăng chủ yếu ở nhóm hàng hoá do một số nguyên nhân: do giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas điều chỉnh tăng; giá điện tăng 5% kể từ ngày 1-8-2013 đã làm cho CPI tháng 8 tăng cao. Mặt khác, giá một số mặt hàng văn phòng phẩm tăng do nhu cầu chuẩn bị cho năm học 2013-2014 cũng làm cho CPI tháng 8 tăng so với tháng trước…
Người tiêu dùng mua sắm hàng gia dụng. Ảnh: Văn Miên.
Diễn biến cụ thể giá tiêu dùng của một số nhóm mặt hàng chính trong tháng 8 như sau:
Đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, so với tháng trước chỉ số nhóm này tăng 0,98%. Trong đó giá lương thực tăng 1,34% chủ yếu là giá gạo tẻ thường tăng; giá thực phẩm tăng 1,17%, trong đó thịt heo tăng 1,65%, giá thuỷ sản tươi sống tăng 2,58%, giá rau quả tươi tăng 2,06%.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,82% do nhu cầu mua sắm quần áo học sinh chuẩn bị vào năm học mới tăng đã làm cho giá một số mặt hàng vải và quần áo may sẵn tăng so với tháng trước. Nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng tăng 0,73%. Nhóm giao thông tăng 1,22%, đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng do giá xăng dầu tăng cao và tăng 2,56%. Nhóm giáo dục tăng 0,16% do vào năm học mới nên giá một số mặt hàng văn phòng phẩm tăng và tăng 1,21% so với tháng trước.
So với tháng trước chỉ số giá vàng tăng 1,22%, ngược lại chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,57% .
Theo dự báo, chỉ số giá cả tiêu dùng tháng 9 sẽ không có biến động lớn và như vậy lạm phát sẽ được kiềm chế có hiệu quả.
Tuấn Dũng