Đồng chí Phạm Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS tỉnh cho biết: Thời gian qua, thời tiết tương đối thuận lợi nhưng ngư trường lại không thuận lợi là do đàn cá cơm, vốn chiếm tỷ lệ cao nhất trong hải sản khai thác của tỉnh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, chỉ cần 2 tháng cuối vụ có cá nổi xuất hiện là các tàu đánh bắt sẽ “no” ngay. Trong tổng số trên 2.660 tàu cá ở tỉnh ta hiện có gần 600 chiếc hành nghề pha xúc (chuyên đánh bắt cá cơm, cá nục), hầu hết là tàu có công suất mỗi chiếc từ 90 CV đến hơn 400 CV. Điều này cho thấy cơ cấu thuyền nghề tỉnh ta gắn chặt với ngư trường truyền thống, nghề pha xúc, vây rút mùng, lưới rê chuyên khai thác cá nổi, nhất là nghề pha xúc đánh bắt cá cơm chiếm đa số. Cho nên khi giữa vụ Nam vẫn chưa xuất hiện đàn cá nổi, đã gây ra tác động đối với lượng khai thác.
Ngư dân Ninh Chử (thị trấn Khánh Hội, huyện Ninh Hải) đầu tư, cải hoán tàu thuyền,
nâng cao năng lực đánh bắt hải sản xa bờ.Ảnh: Duy Anh
Từ cuối tháng 7, đặc biệt là trong tháng 8, ngư trường bắt đầu thuận lợi, khoảng 85% tàu cá tỉnh ta tham gia hoạt động khai thác trên các vùng biển với sản lượng hải sản đạt 22.211 tấn, nâng tổng sản lượng khai thác từ đầu năm đến nay lên trên 58.347 tấn, đạt 89,76%. Đồng chí Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS tỉnh cho biết thêm: Cá nổi xuất hiện trên ngư trường phía Nam tỉnh, từ mũi Dinh kéo dài đến đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) nên ngư dân đẩy mạnh hoạt động đánh bắt, chỉ riêng trong tuần cuối tháng 8 đã thu được sản lượng đáng kể với gần 8.235 tấn hải sản các loại, trong đó chiếm 60-70% sản lượng vẫn là cá cơm.
Cùng với sự xuất hiện luồng cá nổi trên các ngư trường quen thuộc, điều đáng chú ý hơn cả là sự tăng thêm năng lực đánh bắt. Ngay từ những tháng trước, dù có hiện tượng tàu cá nằm bờ, vẫn tiếp tục có nhiều ngư dân đóng mới tàu cá. Theo Chi cục KT&BVNLTS tỉnh, hiện nay trong tổng số tàu cá toàn tỉnh đã có gần 30% số tàu thuyền và chiếm gần 80% tổng công suất tàu cá. So với đầu năm, năng lực tàu cá toàn tỉnh đã có thêm 36 chiếc (14.073 CV) đóng mới, bình quân mỗi chiếc có công suất trên 390 CV và 38 chiếc (5.023 CV) mua ngoài tỉnh đưa về. Anh Nguyễn Tăng, chủ chiếc tàu 450 CV làm nghề pha xúc kiêm vây rút ở xã Cà Ná (Thuận Nam) giải thích: Tàu tôi chuyên nghề đánh bắt cá nổi từ tỉnh ta đến Cà Mau, thường xuyên đi xa nên tôi hiểu tàu lớn có lợi thế, đó chính là nguyên nhân kích thích ngư dân đóng thêm thuyền to máy lớn. Một yếu tố nữa là phần lớn hải sản tiêu thụ tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh có giá bán bình quân đã tăng lên cũng góp phần không kém trong chuyện kích thích ngư dân đóng mới, mua sắm tàu thuyền công suất lớn. Theo đồng chí Đặng Văn Tín, cùng với dấu hiệu chuyển dịch cơ cấu tàu cá, tư duy hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân cũng đang thay đổi dần. Hầu hết các chủ phương tiện có công suất máy từ 50 CV trở lên đều trang bị đầy đủ các trang thiết bị như: Máy tầm ngư, máy định vị, máy thông tin liên lạc vô tuyến điện, máy thu lưới, hệ thống tời cảo và các trang bị cần thiết khác.
Nhìn sự phát triển của năng lực tàu cá trong tỉnh, có thể hiểu được phần nào quyết tâm bám biển của ngư dân. Thực tế từ trước khi vào vụ cá Nam và tiếp tục đến nay, dự báo xu hướng tàu thuyền phát triển, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh đã hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh việc mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và nghiệp vụ thuyền viên tàu cá (miễn phí 100%) nhằm nâng trình độ kỹ thuật của ngư dân. Với xu hướng phát triển năng lực đánh bắt của ngư dân, có cơ sở để tin rằng ngành khai thác hải sản tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2013, khai thác đạt sản lượng 65.000 tấn.
Bạch Thương