Thuận Nam: Nâng cao chất lượng công tác dân số vùng biển

(NTO) Huyện Thuận Nam có 3 xã nằm trong “Đề án kiểm soát dân số vùng biển và ven biển”, gồm: Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná, với khoảng 6.500 hộ, 30.000 nhân khẩu.

Anh Đàng Văn An, cán bộ truyền thông của Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện Thuận Nam cho biết: Vì đa phần người dân khu vực ven biển sinh sống bằng nghề khai thác hải sản nên từ lâu, bà con nơi đây đã có tư tưởng phải sinh con trai, thậm chí là nhiều con trai, để phụ giúp gia đình đi biển. Mặt khác, đa phần nam giới theo tàu thuyền đánh bắt dài ngày trên biển nên công tác dân số chỉ tập trung vào đối tượng phụ nữ là chủ yếu. Nắm rõ những đặc điểm này, cán bộ chuyên trách Dân số – KHHGĐ cùng đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở đã rất linh hoạt, chủ động tìm những phương thức thích hợp, hiệu quả, tác động trực tiếp đến tâm lý của người dân.

Cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Dinh tư vấn cho chị em phụ nữ địa phương.

Qua các năm, số lượt chị em phụ nữ khám phụ khoa và số ca thực hiện các biện pháp tránh thai, KHHGĐ tại các xã đều có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong các đợt cao điểm của “Đề án kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” được Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện trực tiếp xuống địa phương thực hiện, chị em phụ nữ cũng mạnh dạn đến để được tư vấn, hướng dẫn lựa chọn những dịch vụ phù hợp với sức khỏe và nguyện vọng. Riêng trong đợt I của Đề án (tổ chức tháng 7 vừa qua), trên địa bàn 3 xã có 321 lượt phụ nữ khám, điều trị phụ khoa; 16 ca đặt vòng và 35 trường hợp tiêm thuốc tránh thai. Ngoài ra, các địa phương cũng tổ chức 11 buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề và xây dựng các chương trình phát thanh, treo băng rôn và khẩu hiệu ở các khu dân cư.

Chị Võ Thị Kim Hạnh, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Do cách khá xa các điểm khám chữa bệnh tuyến trên, nên gần như tất cả chị em đều đến Trạm Y tế xã để sinh và thăm khám thai sản. Vì thế, chúng tôi rất coi trọng việc nâng cao năng lực chuyên môn trong khám, chữa bệnh và tăng cường tuyên truyền, vận động, tư vấn chị em thực hiện các biện pháp KHHGĐ sau khi sinh. Toàn xã có 22 cộng tác viên dân số, mỗi chị phụ trách khoảng hơn 100 hộ dân. Là người địa phương, lại nhiệt tình với công tác, đồng thời quản lý các tổ vay vốn nên đội ngũ này nắm khá rõ đặc điểm, tình hình các hộ dân trên địa bàn, luôn chủ động lồng ghép nội dung tuyên truyền Dân số – KHHGĐ đến bà con trong thôn, xóm.

“Mưa dầm thấm lâu”, sự nhiệt tình của đội ngũ đảm nhận công tác Dân số – KHHGĐ nên góp phần dần thay đổi nếp nghĩ của đại bộ phận dân cư địa phương. Nhiều gia đình đã biết dừng lại ở con thứ 2 và không ít phụ nữ đã mạnh dạn trao đổi về những biện pháp tránh thai, KHHGĐ hiệu quả.