Nghe thông báo tháng này được hưởng mức lương mới, chị Nguyễn Thúy Thanh Uyên, một công chức ngành Tư pháp khấp khởi mừng thầm. Mặc dù mức lương mới không cao hơn nhiều nhưng dù sao mỗi tháng thu nhập của vợ chồng chị cũng tăng thêm được khoảng 1 triệu đồng, đỡ phần nào chi phí gia đình. Lương mới chưa được lãnh, bình gas tháng trước mới thay giá chỉ có 370.000 đồng giờ đã tăng lên 410.000 đồng khiến chị giật mình. Đến tiền nước, tiền điện cũng đã tăng lên mà chị không để ý... hóa ra, lương tăng, cuộc sống gia đình chị chẳng cải thiện được là bao.
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Gạch Tuy-nen Mỹ Sơn - Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận.
Ảnh hưởng biến động kinh tế, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hết sức khó khăn khiến đời sống của người lao động cũng chật vật theo. Chị Nguyễn Thị Tình, làm việc tại Công ty CP Kinh doanh tổng hợp Ninh Thuận đã hơn 10 năm. Từ năm 2007, sau khi đơn vị được chuyển đổi hình thức quản lý từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, mức lương của chị không còn được tính theo hệ số bậc thợ, tay nghề như trước mà được trả theo thỏa thuận, không những không được tăng mà còn giảm xuống. Chị Tình cho biết: Đáng lý ra đối với một nhân viên phục vụ bàn có tay nghề bậc 5 như tôi tính ra mỗi tháng có mức lương là 2.700.000 đồng. Tuy nhiên, với nhiều lý do như doanh nghiệp khó khăn, làm ăn không có lãi… nên thời gian qua, đơn vị đã thỏa thuận giảm mức lương của tôi xuống còn 2.200.000 đồng/tháng. Thời buổi này tìm việc làm khó khăn nên biết là vất vả, thiệt thòi nhưng tôi cũng cố gắng bám nghề vì cuộc sống. Cộng cả tiền lương lái xe của chồng thu nhập của cả gia đình tôi cũng chỉ được hơn 6 triệu/tháng, nhưng phải chi 1 triệu tiền thuê nhà, rồi còn biết bao chi phí nên lúc nào cũng phải chi li, chắt bóp từng đồng.
Không chỉ thu nhập thấp, tình trạng xâm phạm chế độ, chính sách hợp pháp, chính đáng của người lao động vẫn còn xảy ra. Đối với các doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, Nhà nước đã ban hành quy định tăng mức lương tối thiểu cho NLĐ theo vùng. Theo đó, tại tỉnh ta, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện: Thuận Bắc, Ninh Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm được áp dụng mức lương tối thiểu của vùng 3 là 1.800.000 đồng/người/tháng; các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Sơn, Bác Ái được áp dụng mức lương vùng 4 là 1.650.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, qua kết quả 2 đợt kiểm tra liên ngành việc thực hiện quy định pháp luật tại các doanh nghiệp do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu theo đúng quy định. Nhiều doanh nghiệp mặc dù đã điều chỉnh, tuy nhiên khi trả lương cho người lao động cũng chỉ trả ở mức lương tối thiểu chung nên thu nhập của CNLĐ vẫn rất thấp. Điển hình như Công ty TNHH Dược phẩm Cao Mai (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) mặc dù chỉ có 4 lao động nhưng mức lương trả cho người lao động chỉ 1.500.000 đồng/người/tháng. Hay như Công ty TNHH TM-DV Minh Lộc có đến 65 lao động nhưng chỉ trả mức lương tối thiểu 1.550.000 đồng/người/tháng. Điều đáng nói là tất cả số lao động này chỉ được chủ doanh nghiệp ký kết hợp đồng dưới 3 tháng, vì vậy không hề được trích nộp HBXH, BHYT, BHTN.
Như vậy, để cải thiện đời sống cho người lao động, việc tăng lương thôi chưa đủ, điều quan trọng đó là Nhà nước cần thực hiện tốt các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường. Ngoài ra, các tổ chức, ngành chức năng cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Nguyên Vũ