Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: đã đến lúc nông nghiệp chuyển sang nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông dân.

Sản xuất lúa gạo đang gặp không ít khó khăn, khi thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp, giá xuất khẩu giảm khiến thu nhập của người nông dân vốn đã thấp, nay còn thấp hơn, nên đã có không ít nông dân trả ruộng; thông tin về trộn hóa chất để tạo mùi và làm trắng hạt gạo; chi phí cho hạt gạo tăng cao… Đây là nội dung mà Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát . Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhận định, đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với các địa phương kiểm tra để thông báo kết quả cho nông dân biết. Kết quả kiểm tra tại 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh gạo ở TP HCM chưa phát hiện những hóa chất đó trong hạt gạo và việc kiểm tra đang được tiếp tục.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, hiện hạt gạo đang phải chịu phí phục vụ sản xuất nông nghiệp; những khoản đóng góp để làm những việc chung của địa phương và các loại phí cho các loại dịch vụ công. Trước tình hình đó, từ năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị các địa phương rà soát, chấn chỉ lại việc thu phí và các khoản đóng góp của nông dân. Thủ tướng cũng chỉ đạo loại bỏ những loại phí không hợp lý ở mỗi địa phương. Đối với các loại đóng góp tự nguyện như làm đường giao thông phải thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, còn đối với các khoản thu dịch vụ phí của các Hợp tác xã phải có kiểm soát và công khai, minh bạch.

Trước việc nông dân đang trả lại ruộng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát làm rõ nguyên nhân để có những giải pháp khắc phục, đồng thời giúp bà con nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp để duy trì sản xuất.

Kết quả bước đầu cho thấy, nguyên nhân nông dân bỏ ruộng là do thời gian gần đây giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá đầu ra của nhiều loại nông sản xuống thấp. Bộ trưởng cho biết, sẽ tạo điều kiện để bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay vì trồng lúa chuyển sang trồng những loại cây có triển vọng cao hơn.

Trong điều kiện thị trường như hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì quỹ đất lúa, tuy nhiên trên đất lúa bà con vẫn có thể chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đang rà soát để quy hoạch lại cây trồng trên đất lúa. Tùy theo tình hình của từng địa phương sẽ lựa chọn những cây trồng phù hợp đem lại thu nhập cao hơn.

Bộ trưởng nhận định, đã đến lúc nền nông nghiệp tập trung vào nâng cao sản lượng sang nền nông nghiệp tập trung cao hơn cho chất lượng và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng và làm tăng thu nhập cho nông dân. Để làm được việc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó, các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để rà soát lại cơ cấu nông nghiệp để tập trung cao hơn cho những ngành, cây trồng, vật nuôi là lợi thế của địa phương có thể đem lại giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở này, điều chỉnh lại đầu tư công, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế, thúc đẩy việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và thực thi các chính sách hỗ trợ nông dân, cũng như các doanh nghiệp tập trung vào phát triển những ngành, nghề có triển vọng đó.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay có nhiều tiến bộ khoa học đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đang dần được chuyển giao cho nông dân thông qua nhiều hình thức. Trong đó, ngoài việc Nhà nước tài trợ, triển khai thực hiện cũng cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia để chuyển giao cho nông dân. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ bảo quản nông sản ở gia đình bao gồm cả thiết bị và vật tư. Mặt khác khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến bảo quản, chế biến nông sẩn, thủy sản đáp ứng nhu cầu thị trường đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc nghiên cứu chuyển giao những khoa học, công nghệ tiến bộ về bảo quản có giá thành thấp cho nông dân cũng là một trong những nội dung quan trọng của đề án.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã ban hành thông tư để các địa phương có căn cứ hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Chỉ đạo các viện nghiên cứu phổ biến cho nông dân những giống lúa năng suất, chất lượng cao hơn.

Mặt khác, Bộ chỉ đạo 2 tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa nông dân - doanh nghiệp – thị trường để sản xuất của bà con ổn định hơn, cho thu nhập cao hơn. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập của người nông dân tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008.

Nguồn vov.vn