Trong thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để hoàn thành tốt mục tiêu thực hiện cải cách hành chính (CCHC), là công cụ cốt lõi để xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận; đồng thời Chính quyền điện tử lại là công cụ tốt nhất giúp cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh nhất và bình đẳng nhất.
Cán bộ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hành chính
Ảnh: Sơn Ngọc
Hệ thống thư điện tử tỉnh Ninh Thuận hoạt động từ năm 2005 đến nay (mail.ninhthuan.gov.vn) đã trở thành phương tiện trao đổi thông tin chính thức giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước, CB-CCVC trên địa bàn tỉnh với tổ chức, cá nhân ngoài xã hội dưới dạng thư điện tử, góp phần CCHC, giảm văn bản giấy tờ, thực hiện tiết kiệm, tăng hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Đến nay số cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong tỉnh có hòm thư điện tử là 1.500 và sử dụng khoảng 80% để trao đổi trong công việc.
Việc ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức làm việc của các cơ quan hành chính. Trao đổi thông tin (gửi báo cáo, số liệu thống kê, chia sẽ thông tin, gửi ý kiến,…) qua mạng, thư điện tử, qua phần mềm văn phòng điện tử thay vì qua bưu điện, fax; tổ chức hội họp, hội nghị qua mạng; giải quyết công việc của nhân dân, doanh nghiệp qua mạng trực tuyến,… vào hoạt động của các cơ quan nhà nước đã thay đổi được tư duy làm việc theo kiểu thủ công sang việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành của từng CB-CCVC, giúp giải quyết công việc không bị giới hạn về thời gian, không gian; tiết kiệm giấy, mực, in, photocopy nhân bản tài liệu, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm bớt thời gian hội họp bằng việc trao đổi ý kiến trên mạng, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác, tăng cường sức mạnh của người quản lý. Từ đó nâng cao được năng lực của CBCC, từng bước hiện đại hóa nền hành chính văn phòng dần dần tiến tới thực hiện quản lý theo ISO điện tử. Đến nay, Phần mềm Văn phòng điện tử đã triển khai cho trên 20 đơn vị là cơ quan quản lý nhà nước và 14 đơn vị khác và các cơ quan trực thuộc, trong đó một số đơn vị đã triển khai tốt toàn đơn vị, điển hình như : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng UBND tỉnh, EDO, …
Điển hình như Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận đã đăng gần 1.300 tin, 3.616 văn bản điều hành của UBND tỉnh, 146 Công báo điện tử tỉnh được cập nhật thường xuyên; các chính sách, danh mục dự án kiêu gọi đầu tư, quy hoạch được thường xuyên phổ biến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Theo đó nhiều Trang thông tin điện tử thành phần được hình thành 15 trang sở, ngành cấp tỉnh và 1/7 huyện, thành phố, ngoài ra còn có các trang của EDO, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Cục Thuế, Kho bạc, Thư viện tỉnh nhằm phổ biến cơ chế, chính sách, tình hình hoạt động và cung cấp dịch vụ công đến người dân và doanh nghiệp.
Công khai, minh bạch hoạt động hành chính không phải là dễ dàng. Trong thực tế, để tất cả các cơ quan nhà nước thực hiện công khai minh bạch, đòi hỏi về thời gian rất dài. Ngoài ra, mục tiêu công khai minh bạch đòi hỏi phải được sự giám sát chặt chẽ của người dân và lãnh đạo, trong đó vai trò của người dân và doanh nghiệp là quan trọng. Phải có công cụ để người dân tiếp cận quá trình giám sát hoạt động của cơ quan công quyền. Một trong những công cụ giám sát hiệu quả đó là hệ thống “một cửa điện tử” và “dịch vụ công”. Đây không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà còn là mức đánh giá hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước. Từ nhận thức trên, năm 2012 tỉnh đã triển khai giai đoạn một “một cửa điện tử” tại Văn phòng phát triển kinh tế (EDO), giai đoạn hai, hệ thống “một cửa điện tử” sẽ nhân rộng cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Đây chính là phần cơ sở dữ liệu nền để hình thành dịch vụ công mức độ 3.
Ngoài ra, trong năm 2012, sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng xong ba phần mềm dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức và công dân trao đổi, tương tác với các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết các dịch vụ công, đồng thời nâng cao trình độ quản lý, tạo sự thay đổi đột phá trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công. Hỗ trợ cho 25 doanh nghiệp xây dựng 25 trang tin điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập và phát triển thông qua ứng dụng CNTT và ICT. Hỗ trợ cho 43 doanh nghiệp với kinh phí gần 1 tỷ đồng gồm tập huấn, hội thảo về ”Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp”, bảo vệ tài sản trí tuệ, hỗ trợ kiểm toán năng lượng,...
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thời gian đến, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 3848/KH-UBND ngày 15-8-2012 về Phát triển và ứng dụng CNTT tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013-2015 với phương châm phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và tăng cường công tác CCHC. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận để cung cấp các văn bản chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tra cứu tình trạng hồ sơ của người dân và doanh nghiệp thông qua một cửa điện tử liên thông. Xây dựng Đề án nâng cấp hệ thống CNTT cấp tỉnh theo hướng tập trung (điện toán đám mây) thực hiện trong quý II-2013 theo thông báo số 135/TB-VPUB ngày 25-1-2013 về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2012. Phối hợp cùng Sở Nội vụ trong công tác kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 21/2012/CT-UBND ngày 8-8-2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; triển khai văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5123/UBND-KT ngày 30-10-2012 về việc phối hợp thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với CCHC. Nhân rộng và liên thông mô hình “Một cửa điện tử” tại EDO đến Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh. Xây dựng đề án Văn phòng một cửa điện tử hiện đại tại UBND Tp Phan Rang Tháp Chàm. Xây dựng 6 đến 10 dịch vụ công mức độ 3 cho các sở, ngành trong năm 2013. Thí điểm họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Đẩy nhanh tiến độ phối hợp với VCCI thực hiện ”Giải pháp xây dựng hệ thống đối thoại giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp thông qua ứng dụng CNTT”, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với cơ quan công quyền.
Đào Xuân Kỳ
Phó Giám đốc Sở TT&TT