Làng Vạn Phước anh hùng hôm nay

(NTO) Giữa những ngày Tháng 8 lịch sử, chúng tôi về làng Vạn Phước, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước tìm hiểu truyền thống đấu tranh cách mạng của quần chúng nơi đây từ khi Đảng ra đời. Ông Nguyễn Ngọc Thinh, người sưu tầm nhiều tài liệu lịch sử của làng dẫn đường thăm lại cây đa cạnh đình làng, nơi cách đây 82 năm, cờ đỏ búa liềm tung bay trước sự phấn khởi, vui mừng của nhân dân, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương.

Những năm đầu của thế kỷ XX, trước sự lan tỏa của các phong trào yêu nước, người thanh niên Trần Thi của làng Vạn Phước đã tập hợp thanh niên lập ra “Hội đồng ước” - một trong những tổ chức thanh niên yêu nước đầu tiên, góp phần nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở Ninh Thuận. Ngày 1-5-1930, Làng Vạn Phước là một trong những nơi được tổ chức Đảng chọn tổ chức treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Thinh kể cho các cháu thiếu nhi trong thôn
về truyền thống cách mạng của làng Vạn Phước.

Ngay từ sáng sớm, cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên ngọn cây đa đình làng Vạn Phước, truyền đơn được rải khắp các nẻo đường làng tạo nên khí thế cách mạng chưa từng thấy. Những năm đầu khởi nghĩa, làng Vạn Phước tiếp tục là nơi dừng chân của nhiều đồng chí Xứ ủy Trung kỳ khi về xây dựng phong trào ở Ninh Thuận. Năm 1944, chi bộ Đảng cộng sản ở làng Vạn Phước được thành lập. Đây cũng là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Phước và là chi bộ thứ 2 của tỉnh nhà. Ngày 21-8-1945, đông đảo thanh niên cứu quốc, nhân dân làng Vạn Phước cùng với quần chúng cách mạng trong tỉnh biểu tình và khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh thắng lợi. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân Vạn Phước một lòng kiên trung theo Đảng, tiếp tế lương thực, thuốc men, tham gia kháng chiến… góp phần làm nên chiến thắng vang dội ngày 16-4-1975, giải phóng quê hương Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

Tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, về những người con ưu tú như cụ Trần Thi, người dân Vạn Phước hôm nay đang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương phồn vinh, giàu đẹp. Toàn thôn hiện có 704 hộ, với 2.575 khẩu, diện tích tự nhiên 190,13 ha. Nhân dân Vạn Phước sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có 99 ha trồng lúa với năng suất bình quân đạt 6,5-7 tạ/sào. Từ vụ đông – xuân năm 2013, thôn đã thực hiện thí điểm 2 ha lúa theo mô hình “1 phải 5 giảm”, năng suất đạt 8-9 tạ/sào. Mô hình này đã được nhân rộng lên 6 ha trong vụ hè -thu này và dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng hơn nữa, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng cùng với sự cần cù, chịu khó, nông dân Vạn Phước áp dụng mô hình trồng nho, táo kết hợp chăn nuôi dê, cừu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Trịnh Ngọc Thảo, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, hiện toàn thôn có khoảng 60 hộ tham gia trồng nho, táo kết hợp với chăn nuôi đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, trong đó có những nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi như: Phương Văn Thành, Lý Tùng Sự…

Nông dân làng Vạn Phước trồng táo kết hợp nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Ngọc

Phát huy truyền thống cách mạng của làng, người dân trong thôn đều động viên, tạo điều kiện để con em được đến trường, học hành thành đạt. Toàn thôn hiện có 2 thạc sỹ, 4 bác sỹ và hàng trăm con em đã tốt nghiệp và đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Thôn có 5 tổ Nhân dân tự quản hoạt động rất hiệu quả, góp phần thực hiện thành công phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đã có 95% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 100% hộ dân tham gia mô hình thu gom rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để góp phần tạo bộ mặt nông thôn sạch đẹp.

Nhân dân Vạn Phước càng vui mừng hơn khi được Nhà nước đầu tư 3,3 tỷ đồng xây dựng Nhà bia tượng niệm cụ Trần Thi. Khi công trình hoàn thành, cùng với cây đa, đình làng… người dân Vạn Phước sẽ có thêm một tư liệu lịch sử để giáo dục cho thế hệ trẻ tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương.