Ảnh minh họa
Khuyến cáo này được đưa ra trong buổi công bố báo cáo “Dự báo cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội và các khuyến nghị pháp lý” do Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Theo báo cáo này, năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Và giai đoạn 2020-2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số ở trong mức cao nhất của châu Á.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân, pháp luật về lao động quy định mọi công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều được tham gia bảo hiểm xã hội nhưng trên thực tế, chỉ 1/5 số lao động có bảo hiểm.
Theo phân tích của ILO, chương trình hưu trí hiện tại của Việt Nam có đặc điểm là tuổi nghỉ hưu thấp, nhất là đối với nữ trong bối cảnh dân số đang dần già hóa do sự gia tăng tuổi thọ và giảm tỷ suất sinh sẽ tạo gánh nặng cho quỹ lương hưu.
Vì vậy, ILO khuyến cáo Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ lên 65 tuổi; đảm bảo sự công bằng giữa khối công nhân viên chức nhà nước và người lao động trong khối tư nhân; tăng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm hưu trí và phát triển các chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Nguồn chinhphu.vn