Theo số liệu báo cáo, toàn tỉnh đã xây dựng 22 cụm panô tuyên truyền gồm 05 cụm tại trung tâm các huyện, thành phố và 17 cụm tại 17 xã; In 615 poster tuyên truyền (13 tờ/xã) để tuyên truyền tại các điểm dân cư tập trung, trụ sở thôn, xã; Biên soạn và in 1.500 cuốn Sổ tay hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới cung cấp cho Ban chỉ đạo các cấp làm tài liệu tuyên truyền; Tổ chức hội thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới thu hút trên 3.700 cán bộ, nông dân tham gia; Lồng ghép tuyên truyền thông qua các phong trào thi đua như “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Tuổi trẻ Ninh Thuận chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”... Đài Phát thanh-Truyền hình mở chuyên đề “Xây dựng nông thôn mới” phát trên kênh NTV; Báo Ninh Thuận xây dựng chuyên trang “Nông thôn mới” trên báo in và báo điện tử NTO để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, phản ánh tình hình phong trào xây dựng nông thôn mới, giới thiệu những điển hình tiên tiến, mô hình mới về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đường giao thông khu dân cư Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải)
được Nhà nước hỗ trợ xây dựng khang trang. Ảnh: Sơn Ngọc
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ mua Báo Nông nghiệp Việt Nam cung cấp cho 25 xã từ tháng 8/2012 đến hết năm 2013 và hỗ trợ trên 80 triệu đồng cho 11 xã điểm của tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các thôn và nhân dân trong xã. Có thể nói công tác tuyên truyền, vận động đã có tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ, đảng viên nhất là người dân ở nông thôn về sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số xã đã nổi lên một số hiện tượng như người dân ở một số vùng đồng bào dân tộc có thói quen chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rong làm mất vệ sinh thôn xóm, ảnh hưởng đến giao thông trật tự. Mặc dù cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã tích cực vận động nhưng hiệu quả không như mong muốn, khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của xã. Việc triển khai làm đường giao thông liên thôn theo quy hoạch, theo đó người dân là người được thụ hưởng khi con đường hoàn thành. Đa số người dân đều đồng tình với chủ trương làm đường, thậm chí còn tự nguyện hiến đất để làm. Tuy nhiên, có xã miền núi một số bà con lại chưa “thông” với việc tự nguyện hiến đất làm đường!.
Ngoài ra, do triển khai công tác quy hoạch, đề án chi tiết cho cả một giai đoạn dài về xây dựng hạ tầng cơ sở của xã, thôn, dẫn đến có cán bộ chủ chốt, đảng viên không nắm được cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ của xã, thôn về xây dựng nông thôn mới, người dân chỉ hiểu chung chung, vì vậy hiệu quả thực hiện còn hạn chế.
Từ thực tiễn trên thiết nghĩ về công tác tuyên truyền, vận động người dân, mỗi xã, thôn cần tìm ra giải pháp riêng phù hợp, dễ làm, dễ thực hiện. Theo chúng tôi thì giải pháp tuyên truyền vận động nhân dân ở cơ sở phải phù hợp với phong tục tập quán người dân, trình độ dân trí, đặc điểm dân tộc, tôn giáo, điều kiện kinh tế và phải bám sát nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của xã, thôn hàng tháng, quý, hàng năm. Thiết nghĩ, giải pháp tuyên truyền hiệu quả nhất vẫn là cán bộ, đảng viên nêu gương làm trước để nhân dân học tập làm theo như Bác Hồ đã dạy. Có như vậy thì công tác tuyên truyền, vận động mới thật sự đi vào lòng dân và người dân đồng lòng, đồng tâm hiệp lực thì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới nhất định thành công.
Mỹ Hạnh