Các làng nghề làm gì khi có nhãn hiệu hàng hóa?

(NTO) Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp là hai làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm thuộc địa bàn thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Đây là hai làng nghề truyền thống đầu tiên của tỉnh ta được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Vấn đề được đặt ra cần có lời giải là các làng nghề làm gì khi đã có nhãn hiệu hàng hóa?

Từ làng gốm Bàu Trúc:

Bàu Trúc được giới chuyên môn ghi nhận là làng nghề gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Các sản phẩm dân dụng và mỹ nghệ đất nung mang đậm sắc màu “lạ lẫm” riêng có của Bàu Trúc được người tiêu dùng ưa chuộng. Toàn làng hiện có trên 600 hộ với 2.700 nhân khẩu đồng bào Chăm, trên 200 gia đình với khoảng 1.000 lao động chuyên sống từ nguồn thu nhập của nghề làm gốm. Các sản phẩm dân dụng của nghề gốm gồm lu, lò, ấm, nồi được tiêu thụ các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Các sản phẩm gốm mỹ nghệ tiêu thụ trong nước và bước đầu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Nhà nước đầu tư trên 7,5 tỉ đồng xây dựng nhà trưng bày gốm và hệ thống giao thông tạo nên diện mạo mới cho làng nghề. Nhờ nguồn thu nhập nghề gốm đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Các nghệ nhân tiêu biểu trong nghề làm gốm Bàu Trúc là Đàng Thị Gia, Đàng Thị Tám, Đàng Thị Lực, Đàng Thị Phan, Đàng Xem…

Ông Đàng Năng Điệt, Chủ nhiệm HTX Gốm Chăm Bàu Trúc với dấu nhãn hiệu hàng hóa của HTX.

Cư dân Bàu Trúc thành lập 4 doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp gốm mỹ nghệ phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cuối năm 2011, HTX Gốm Chăm Bàu Trúc được thành lập có 25 xã viên do ông Đàng Năng Điệt làm chủ nhiệm với vốn góp 22,3 triệu đồng. Bí thư Tỉnh ủy hỗ trợ HTX 200 triệu đồng giúp kinh tế tập thể nghề gốm làm vốn khởi nghiệp. Qua gần hai năm hoạt động, tình hình kinh doanh của HTX ngày càng khó khăn. Doanh thu không đủ bù đắp chi phí, cán bộ HTX làm việc không lương nên chưa thật sự gắn bó với hoạt động kinh tế tập thể. Nguồn vốn do Bí thư Tỉnh ủy hỗ trợ, HTX đưa vào mua sắm phương tiện làm việc đến nay chỉ còn 20 triệu đồng. Theo báo cáo của HTX trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh số kinh doanh của đơn vị chỉ đạt 11 triệu đồng.

Tháng 10-2012, Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận HTX Gốm Chăm Bàu Trúc được chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa gốm Bàu Trúc từ Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại- Dịch vụ Bàu Trúc. Nhãn hiệu có biểu tượng ngọn lửa cách điệu và dòng chữ BAUTRUC. Sau khi được chuyển giao nhãn hiệu, Ban quản lý HTX Gốm Bàu Trúc đã tiến hành khắc dấu nhãn hiệu hàng hóa mang biểu tượng ngọn lửa cách điệu và dòng chữ HTX GỐM CHĂM BÀU TRÚC, dấu đồng kích cở 3,5x 3,5 cm. Bước đầu, HTX sử dụng dấu nhãn hiệu hàng hóa đóng trên một số ít sản phẩm do HTX đặt hàng cho xã viên sản xuất. Dấu đóng trên sản phẩm gốm không rõ nét nên người tiêu dùng rất khó nhận biết nhãn hiệu HTX Bàu Trúc. Nhiều ý kiến cho rằng nhãn hiệu gốm Chăm Bàu Trúc là tài sản chung của làng nghề. Mỗi cơ sở sản xuất gốm ở Bàu Trúc được quyền và nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu hàng hóa theo quy định Cục Sở hữu trí tuệ.

Đến thổ cẩm Mỹ Nghiệp:

Làng Mỹ Nghiệp hiện có 730 hộ với gần 4.000 nhân khẩu, 50% số hộ gắn bó lâu đời với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nhiều gia đình nuôi con ăn học thành đạt nhờ nguồn thu nhập từ nghề sản xuất thổ cẩm kết hợp làm ruộng. Các nghệ nhân Phú Thị Mỡ, Dương Tấn Phúc, Quảng Thị Đảo, Vạn Thị Bạch, Vạn Thị Cư… dã dày công gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa làng nghề. Thổ cẩm dân tộc Chăm Mỹ Nghiệp được Hiệp Hội Làng nghề vinh danh làng nghề tiêu biểu Việt Nam năm 2008. Nhà nước đã đầu tư trên 11 tỉ đồng xây dựng nhà trưng bày thổ cẩm và xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề. Cuối tháng 6-2013, Nhà nước tiếp tục đầu tư gần 12 tỉ đồng mở rộng, nâng cấp cầu Mỹ Nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển làng nghề, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

Bà Thuận Thị Trào phụ trách cửa hàng của HTX Mỹ Nghiệp giới thiệu
nhãn hiệu hàng hóa thổ cẩm Chăm.

HTX Dịch vụ- Kinh doanh- Sản xuất thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (HTX Mỹ Nghiệp) được thành lập vào cuối năm 2010. Buổi đầu HTX có 25 xã viên với vốn góp 125 triệu đồng do ông Hàm Minh Thiệu làm chủ nhiệm. Bí thư Tỉnh ủy hỗ trợ HTX 300 triệu đồng làm vốn kinh doanh buổi đầu khởi nghiệp. Gần hai năm qua, HTX Mỹ Nghiệp đã tập hợp xã viên gắn bó làm ăn tập thể. Nguồn vốn do Bí thư Tỉnh ủy hỗ trợ được bảo tồn nguyên vẹn, HTX kinh doanh hàng năm có lãi chia xã viên thu hồi được vốn góp. Đội ngũ cán bộ có lương trung bình 1 triệu đồng/tháng. Năm 2012, HTX có doanh thu 604 triệu đồng, lợi nhuận 230 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, HTX có doanh thu 248 triệu đồng và có 97,9 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. HTX kết nạp mới 47 xã viên nâng tổng số xã viên hiện nay lên 72 người. HTX sản xuất gần 100 loại sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm sử dụng thổ cẩm Chăm. Trong đó có các mặt hàng được thị trường tiêu thu mạnh như tấm ra, áo thổ cẩm, giỏ xách, bóp, mũ tác nghiệp…

Cuối năm 2012, HTX Mỹ Nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thổ cẩm có hình ảnh ba ngọn lửa cách điệu bao lấy bốn hoa văn trên nền hoa văn có dòng chữ MỸ NGHIỆP. Tháng 4-2013, HTX tổ chức lễ công bố nhãn hiệu hàng hóa thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Đến nay, HTX chưa dán nhãn hiệu lên sản phẩm do chưa tìm được chất liệu in ấn nhãn hiệu hàng hóa.

Các làng nghề làm gì?

Việc hai làng nghề truyền thống Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp được cấp nhãn hiệu hàng hóa đánh dấu bước phát triển mới. Nhãn hiệu chỉ là những dấu hiệu để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Từ nhãn hiệu tiến tới thương hiệu đòi hỏi quá trình nỗ lực phấn đấu bảo đảm chất lượng sản phẩm của làng nghề đối với người tiêu dùng. Sự phát triển của làng nghề gắn liền với chất lượng hàng hóa và thái độ kinh doanh của mỗi cơ sở sản xuất. HTX Gốm Chăm Bàu Trúc cần phân định rạch ròi nhãn hiệu làng nghề và nhãn hiệu của HTX để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các cơ sở sản xuất gốm. HTX Bàu Trúc cần đổi mới cách thức kinh doanh khẳng định vị thế kinh tế tập thể trong nghề sản xuất gốm truyền thống. HTX Mỹ Nghiệp sớm phát huy hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các làng nghề cần huy động mọi nguồn lực đa dạng sản phẩm, đầu tư quảng bá trên các phương tiện truyền thông và hệ thống bảng biểu trực quan thu hút du khách.

Đồng chí Nguyễn Thật, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết Nhà nước quan tâm tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương. Trên thực tế hoạt động của các làng nghề và các HTX chưa mạnh, chưa phát huy vai trò chủ đạo kinh tế tập thể. Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp là hai điểm đến du lịch trọng điểm được UBND tỉnh phê duyệt. Cấp ủy và chính quyền thị trấn tiếp tục củng cố năng lực hoạt động các HTX, phát huy hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa tạo động lực mới đưa hoạt động sản xuất- kinh doanh của các làng nghề ngày càng phát triển.