Từ thành phố Đồng Hới, dưới cái nắng đầu hè oi ả của miền Trung, xe chúng tôi bon bon lên đường đi khám phá động Thiên Đường. Hành trình hơn 60 km theo hướng Tây Bắc, bỏ lại phía sau những ồn ào náo nhiệt của thành phố, trải dài hai bên đường là những cánh rừng xanh ngút ngàn, những ruộng lúa, bãi ngô xanh mát và những dãy núi đá vôi sừng sững đó đây.
Động Thiên Đường nay thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đường đến Thiên Đường băng qua Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nơi đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, và dòng sông Son huyền thoại.
Món quà của tạo hóa
Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn ngắm những cánh rừng già nguyên sinh ngập nắng gió. Sau khi mua vé tham quan, du khách lên xe điện đi qua đoạn đường rừng ngoằn nghoèo dài 2 km tới chân núi. Từ đây, để tới được “thiên đường”, du khách phải vượt qua 524 bậc đá, đi dưới những tán cây xum xuê của rừng nguyên sinh, với những dây leo như con trăn lớn chằng chịt bên đường. Cuối cùng, bất ngờ hiện ra trước mắt chúng tôi là cửa động rất hẹp, là hai mảnh ghép tạo nên từ hai khối cây cổ thụ hóa thạch. Không thể ngờ, bước qua cửa động nhỏ chỉ khoảng 4m2 đó lại là một “cung điện” mênh mông và kỳ vĩ. Đó là một hang động khổng lồ về diện tích với những cấu tạo thạch nhũ và măng đá đặc biệt kỳ lạ và to lớn. Động có chiều cao tới 100 m, chiều rộng có nơi tới 200 m, và có thể chứa tới cả nghìn người.
Trải qua quá trình trầm tích Carbon – Permi, động Thiên Đường được hình thành cách đây khoảng 300-400 triệu năm, là món quà quý giá, một tuyệt tác nghệ thuật vĩ đại mà thiên nhiên ban tặng cho con dân nước Việt.
Động được một người dân địa phương là anh Hồ Khanh phát hiện ra trước năm 2005. Sau đó đoàn thám hiểm thuộc Hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) do chuyên gia Howard Limbert dẫn đầu đã tới tiếp tục khám phá. Quá xúc động vì vẻ đẹp lung linh huyền ảo ngoài sức tưởng tượng của con người, họ gọi tên hang động này là Paradise (Thiên Đường). Năm 2010, BCRA công bố độ dài chính thức của động lên tới 31,4 km và là "Hang động khô dài nhất châu Á". Cùng năm 2010 Thiên Đường được chính thức mở cửa đón khách tham quan. Tiếp sau động Phong Nha đã được phát hiện nhiều năm trước và thu hút hàng chục triệu lượt du khách trong và ngoài nước, Thiên Đường chính là một sự "ưu ái" nữa mà thiên nhiên ban tặng cho dải đất nghèo Quảng Bình đầy nắng gió.
Kỳ vĩ và huyền ảo
Đầu năm 2010, Tập đoàn Trường Thịnh được UBND tỉnh Quảng Bình giao phối hợp với các cơ quan hữu quan, tổ chức khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu và khai thác động Thiên Đường để mọi người vào tham quan chiêm ngưỡng. Điều sáng tạo là họ đã làm con đường bằng gỗ giữa lòng động và sử dụng đa số đèn có ánh sáng trắng nhằm giữ được không gian tự nhiên. Khách tham quan chỉ đi trên con đường lát gỗ, không sờ được vào thạch nhũ.
Mọi người đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự tráng lệ nguy nga của Thiên Đường, ai đó thốt lên: “Hùng vĩ như thánh đường Saint Peter tại Vatican!” Bước theo cầu thang gỗ, du khách dần đi xuống lòng động và thấy như một vùng trời khác mở ra trước mắt. Ai nấy ngỡ ngàng, thậm chí cảm giác choáng ngợp trước hệ thống trần động được thiên nhiên tạo nên giống mái vòm của một cung điện khổng lồ, với muôn ngàn thạch nhũ rủ xuống như những chùm đèn đủ màu sắc.
Đi trên hơn 1km cầu thang và đường đi bằng gỗ táu trải trên nền hang, du khách được chiêm ngưỡng những biến tấu sinh động do đá và thời gian tạo nên, được chiếu rọi bởi hệ thống ánh sáng lung linh huyền ảo.
Ẩn sâu trong lòng núi đá vôi đã hàng triệu năm, công trình của tạo hóa này giống như nơi gặp nhau của các nền văn hóa lớn trên thế giới. Trần hang giống như mái vòm kiểu kiến trúc gothic, niềm tự hào của văn minh phương Tây, còn trên nền hang là những không gian, những khối đá mang đậm nét những hình tượng của văn hóa phương Đông. Du khách trầm trồ chiêm ngưỡng, nơi này là hình tượng Phật Bà Quán thế âm, nơi kia là hình tượng Đức mẹ Maria đang bế Chúa hài đồng. Có khối nhũ đá tượng hình mái nhà Rông của đồng bào Tây Nguyên. Chỗ này là hình tượng lân-sư-rồng, tiên nữ, Hằng Nga, nơi khác lại có hình tượng ba ông Phúc - Lộc - Thọ, Phật Thích Ca đang an nhiên tĩnh tại giữa cõi đời, có những khối đá hình voi ma mút, những bảo tháp khổng lồ và diễm lệ...
Hiện nay động Thiên Đường mới được đưa vào khai thác du lịch ở 1 km đầu tiên, còn 6km tiếp theo là một tour đặc biệt hơn, dành cho những người thích cảm giác phiêu lưu, khám phá...
Với những tuyệt tác kỳ vĩ của thiên nhiên đã được thế giới công nhận, những “cái nhất” của động Thiên Đường đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận như "Động có cầu gỗ dài nhất", "Động khô dài nhất có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất". Thiên Đường xứng đáng là Đệ nhất động của Việt Nam và châu Á. Có lẽ ngoài cảm giác choáng ngợp đến ngỡ ngàng là phản ứng ban đầu khi mới đặt chân vào lòng hang động khổng lồ này, mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng, mặc sức cho trí tưởng tượng bay xa theo cảm quan của riêng mình.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN