Có thể minh chứng điều này qua hàng loạt con số “biết nói”: Chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đã vượt con số 30 triệu USD. Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp nội tỉnh như: Đường RS, hải sản xuất khẩu, muối các loại, may gia công, đá Granite... cũng đang có chiều hướng tăng trở lại.
Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận đi vào hoạt động tạo động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng cho địa phương.
Ảnh: Văn Miên
Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đã vượt lên mức 4,39 triệu USD, tăng 4,25% so với tháng trước (chủ yếu là các mặt hàng hải sản đông lạnh); khai thác muối biển đạt 25.140 tấn, tăng gấp 3,5 lần; khai thác đá xây dựng đạt 105 ngàn m3, tăng hơn 2 lần; muối chế biến đạt 11.441 tấn, tăng 93%; may mặc đạt 152 ngàn sản phẩm, tăng 30,9% so cùng kỳ; chế biến tôm đông lạnh đạt 218,8 tấn các loại, tăng 13,87% so cùng kỳ; điện thương phẩm 39,3 triệu kWh, tăng 17,55%; sản xuất xi-măng đạt 13,6 ngàn tấn, tăng 10%; chế biến nhân hạt điều đạt 551 tấn, đạt bằng so với cùng kỳ; sản xuất gạch nung các loại sản lượng ước đạt 10,3 triệu viên, tăng 1,16% so cùng kỳ. Đó là chưa kể các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đang góp phần không nhỏ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng toàn ngành như: Dệt thổ cẩm, gốm nung, thêu ren, vang nho, hàng mỹ nghệ từ tranh gỗ ghép…
Dẫn cứ một vài số liệu cụ thể như trên để thấy rằng, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nhưng ngành công nghiệp của tỉnh vẫn có tiềm năng phát triển và đang vượt qua những hạn chế, tạo sức bật mới vươn lên. Trong đó, có một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, Công ty TNHH May Tiến Thuận, Công ty TNHH DV-TM&SX Nam Thành..., tiếp tục khẳng định vị trí "đầu tàu" của mình.
Nhìn trên bình diện chung là vậy, nhưng thực tế hiện nay còn không ít doanh nghiệp vẫn chưa tìm được “chỗ đứng” trên thị trường bằng chính thương hiệu của mình. Theo phân tích của đơn vị chủ quản, có hai nhóm nhân tố tác động làm giảm giá trị sản xuất và mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp nội tỉnh. Thứ nhất là do nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp còn ít, chủ yếu là nguồn vốn vay ngân hàng nên phải chịu mức lãi suất khá lớn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Thứ đến là vì phần lớn hoạt động, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nội tỉnh chủ yếu là những mặt hàng phục vụ nhu cầu ở địa phương là chính. Một số doanh nghiệp thì dù đã xuất được sản phẩm của mình ra ngoài tỉnh và nước ngoài, nhưng thường thông qua các công ty, doanh nghiệp lớn khác ở TP.Hồ Chí Minh bảo lãnh, hoặc xuất khẩu dưới hình thức ủy thác, nhận gia công sản phẩm cho các công ty "mẹ", nên lợi nhuận không cao và luôn bị o ép từ nhiều phía.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận. Ảnh: Văn Miên
Từ những viện dẫn trên cho thấy, đòn bẩy quyết định để công nghiệp trong tỉnh tăng tốc trong những năm tiếp theo trước hết phải dựa vào sự vận động nội tại. Nắm bắt và hiểu rõ quy luật phát triển này, những năm qua ngoài việc luôn ưu tiên, tạo cơ chế mở cho các nhà đầu tư, tỉnh ta còn quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhờ đó, lĩnh vực đầu tư cho sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay cũng đang có nhiều khởi sắc. Trong đó, đáng lưu ý là các dự án đầu tư mới đang trong giai đoạn hoàn thành đi vào hoạt động như: Nhà máy bia Sài Gòn – Ninh Thuận của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, có công suất 50 triệu lít bia/năm, khi đi vào sản xuất ổn định sẽ đóng góp cho ngân sách của tỉnh bình quân 30 tỷ đồng/tháng. Hay như Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú, tại thôn Hạnh Trí, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), với quy mô sản xuất 50 triệu chiếc khăn bông/năm, dự kiến tháng 9 tới đi vào hoạt động, ngoài việc đưa kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 50 triệu USD, còn giải quyết việc làm cho 1.500 lao động địa phương. Bên cạnh đó, còn có hàng chục dự án khác đã và đang hoàn thành hoặc đang đầu tư mở rộng chiều sâu như: Nhà máy chế biến tôm của Công ty TNHH Thông Thuận, Thủy điện Hạ Sông Pha 1 (đã hoàn thành, đang thực hiện đấu nối đưa vào sản xuất), Nhà máy Bao bì Tân Định, Nhà máy Chế biến muối của Công ty Muối Bim, Dự án các Nhà máy gạch nung của Công ty Vạn Gia, Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhà máy gạch bê tông màu, gạch Terrazzo của Công ty Hoàng Nhân... , khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn cho nguồn thu cho tỉnh.
Với một loạt các công trình dự án mới đang đi vào hoạt động, tin rằng trong thời gian đến, ngành công nghiệp Ninh Thuận sẽ vươn lên bằng chính nội lực của mình, khẳng định vị thế trong nền kinh tế tỉnh nhà.
Văn Thanh