Theo Quyết định số 1315/QĐ-UBND, ngày 27-6-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh, năm học mới 2013-2014 bắt đầu từ ngày 19-8 đối với học sinh THCS, THPT và ngày 26-8 đối với học sinh Mầm non, TH. Năm học này, toàn tỉnh có khoảng 136.700 học sinh thuộc 90 trường mẫu giáo – mầm non, 150 trường tiểu học, 64 trường THCS và 18 trường THPT; 6.347 giáo viên, trong đó 100% giáo viên THCS và THPT đạt chuẩn và trên chuẩn; 95% giáo viên TH và Mầm non đạt chuẩn trong dịp hè, Sở GD&ĐT đã tổ chức 120 lớp bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ cho khoảng 7.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên của tất cả các cấp học. Đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất của tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, không còn tình trạng học ghép, học ca 3, chỉ còn một số lớp Mẫu giáo-Mầm non phải học nhờ địa điểm. Tất cả các đơn vị trường học đã hoàn tất mọi công tác như tu sửa cơ sở vật chất, sửa chữa bàn ghế, trang thiết bị để đón học sinh tựu trường. Năm học 2013-2014, tỉnh thành lập mới Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ninh Phước nhằm đáp ứng nhu cầu học nội trú của con em các dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn của 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam.
Trường mẫu giáo Phước Dân 2, huyện Ninh Phước được đầu tư xây dựng phục vụ năm học.
Ảnh: Thanh Long
Với phương châm “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT” nhằm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế của đất nước”, năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh hoạt động khảo thí, đánh giá và quản lý chất lượng giáo dục, tiếp tục triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đặc thù của ngành. Thực hiện các giải pháp phối hợp đảm bảo ATGT, an ninh trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường…
Mỗi cấp học đều được cụ thể hóa nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu thực hiện trong năm học, trong đó chú trọng công tác đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với thực tế ở mỗi trường, địa phương và cấp học. Để nâng cao chất lượng học tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số, dịp hè 2013, các trường TH có học sinh dân tộc thiểu số đã tổ chức dạy Tiếng Việt cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 24 trường TH tiếp tục tổ chức dạy chữ Chăm cho học sinh con em đồng bào Chăm, 30 trường TH bước vào năm thứ 2 thực hiện mô hình “Trường học mới Việt Nam”.
Bám sát định hướng chung của ngành, năm học 2013-2014, nhiều trường bắt đầu triển khai các giải pháp mới để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Đến thăm Trường THCS Trần Phú, TP. Phan Rang – Tháp Chàm trước thềm năm học mới, chúng tôi được chứng kiến khuôn viên trường lớp vừa được sửa chữa, xây dựng mới khang trang hơn. Cô Trần Thị Minh Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường vừa xây dựng mới cổng trường, sửa chữa 2 khu nhà vệ sinh cho học sinh, thay 200 mặt bàn học… đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 1.700 học sinh. Năm học mới, trường tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng gắn với giáo dục đạo đức học sinh. Trong đó, sẽ tăng cường việc khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; thực hiện bàn giao và cam kết chất lượng từ đầu năm học…
Năm học 2013-2014 cũng là năm học đầu tiên Trường PT iSchool Ninh Thuận chính thức đưa phương pháp dạy học ITL (iSchool Teaching & Learning) vào giảng dạy cho học sinh khối 10. Đây là phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, tạo cho học sinh sự hứng thú, kích thích sáng tạo, phát triển kỹ năng của từng học sinh; dạy học bằng sơ đồ tư duy, thông qua trò chơi, phương pháp tiếp cận trực quan sinh động…
Với sự chuẩn bị chu đáo cùng với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, tin rằng năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ tiếp tục gặt hái thêm được nhiều thành công mới.
Bích Thủy