Nhiều NV2 dành cho thí sinh đạt điểm cao.
Quyết dành chỗ cho thí sinh NV2 điểm thi cao
Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm nay dành gần đến gần 2.000 chỉ tiêu để xét tuyển NV2 các ngành đào tạo ĐH và CĐ. Riêng bậc ĐH, cơ hội cho thí sinh có NV2 vào trường là gần 900 với 13 ngành đào tạo. Mức điểm chuẩn dao động từ 15,5 - 22 điểm tùy khối, ngành.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cũng cho biết, dù điểm chuẩn các ngành khá cao nhưng trường vẫn quyết định dành nhiều chỉ tiêu NV bổ sung để nâng cao chất lượng đầu vào; trong đó các chỉ tiêu chủ yếu thuộc về các nhóm ngành Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điện - điện tử và Công nghệ thông tin. Ngoài ra, trường xét tuyển bậc CĐ, CĐ nghề để tạo điều kiện cho các thí sinh, kể cả sinh viên không đạt điểm sàn ĐH, CĐ 2013. Lượng chỉ tiêu xét tuyển lên tới 1.000 cho bậc ĐH và 1.300 bậc CĐ.
Trường ĐH Kinh tế Luật đưa ra mức điểm xét tuyển 100 nguyện vọng bổ sung cho phân ngành Tài chính – Ngân hàng (khối A, A1, D1) là 24 điểm (điểm tổng 3 môn đã nhân hệ số 2 cho môn Toán). Thí sinh nộp hồ sơ xin xét tuyển trực tiếp tại trường hoặc theo đường bưu điện từ ngày 6/8/2013 đến hết ngày 13/8/2013.
Tương tự, dự kiến điểm chuẩn vào trường cao hơn khoảng 2 điểm so với năm trước nhưng Học viện Chính sách phát triển cho biết vẫn dự kiến sẽ dành chỉ tiêu để tuyển NV2.
Mặc dù chưa công bố điểm sàn nhưng Trường ĐH Phan Thiết cũng đã thông báo sẽ dành tới 800 chỉ tiêu các ngành đào tạo ĐH và 650 chỉ tiêu CĐ cho NV bổ sung với mức điểm xét tuyển chỉ cần đạt từ sàn trở lên.
Việc các trường dành chỗ cho các NV bổ sung đã tạo ra cơ hội đỗ ĐH thứ 2 cho những thí sinh đạt điểm thi cao nhưng không đủ điểm vào trường đăng ký dự thi. Với các trường, điều này cũng giúp tăng chất lượng nguồn tuyển. Để tận dụng nguồn thí sinh này, nhiều trường đã tạo cơ hội cho thí sinh đăng ký xét tuyển qua website của nhà trường, một cách làm nhanh gọn, không tốn thời gian, công sức.
Một số thay đổi trong xét tuyển
Thí sinh tham gia xét tuyển lưu ý, năm nay, quy chế thi ĐH, CĐ có một số thay đổi liên quan đến xét tuyển. Thứ nhất là thời gian xét tuyển sẽ kết thúc sớm hơn một tháng so với năm 2012, cụ thể, bắt đầu từ 20/8 và kết thúc ngày 30/10/2013. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển.
Thứ 2, năm nay, thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm không) được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh sử dụng giấy này để ĐKXT vào các trường ĐH, CĐ hoặc TCCN. Các trường ĐH, CĐ sẽ không nhận giấy chứng nhận kết quả thi phô tô như năm trước, tuy nhiên, thí sinh có thể dùng bản sao hợp lệ giấy chứng nhận kết quả thi (nếu chưa trúng tuyển vào ĐH hoặc CĐ) để đăng ký xét tuyển vào các trường TCCN.
Thứ 3, Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Nếu không trúng tuyển được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.
Mặc dù theo quy định, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường; tuy nhiên, có những trường chỉ nhận hồ sơ trực tiếp. Thời gian kết thúc xét tuyển, mỗi trường cũng không giống nhau, vì vậy, trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường muốn nộp hồ sơ để tránh đánh mất cơ hội một cách đáng tiếc.
Hồ sơ ĐKXT gồm Giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi) và 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Lệ phí xét tuyển theo quy định của từng trường.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại