Nhiều bất cập trong thực hiện miễn, giảm học phí cho HSSV

(NTO) Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên (HSSV) được tỉnh ta triển khai từ năm 2011. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện miễn, giảm học phí cho 4.437 SV, hỗ trợ chi phí học tập cho 46.780 HS, tổng kinh phí đã cấp gần 45 tỷ đồng.

Đây là chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với HSSV. Ngoài quy định về miễn, giảm học phí cho các nhóm đối tượng, Nhà nước còn cấp bù kinh phí cho các trường Mầm non, phổ thông công lập để các cơ sở giáo dục đảm bảo được kinh phí giáo dục theo yêu cầu của ngành; hỗ trợ chi phí học tập cho HS mẫu giáo đến phổ thông (công lập) ở các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để mua sách vở và đồ dùng học tập. Do đó, đối tượng được thụ hưởng chính sách này khá rộng, góp phần giảm bớt khó khăn cho HSSV thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, giúp họ có thêm cơ hội để học tập.

Học sinh Trường THPT Lê Duẩn (huyện Ninh Sơn) đăng ký thông tin tuyển sinh Đại học.
Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, theo phản ảnh của Sở LĐ-TB&XH, việc thực hiện chính sách mới này hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo quy định, Nhà nước cấp trực tiếp tiền miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập để các đối tượng này đóng học phí đầy đủ cho nhà trường. Như vậy, HSSV phải đóng học phí tại trường, sau đó nhận lại khoản học phí đó tại phòng LĐ-TB&XH. Việc không thực hiện miễn học phí trực tiếp ngay tại trường mà phải đóng học phí rồi về địa phương xin cấp bù học phí khiến phát sinh nhiều khó khăn cho SV và gia đình. Là đối tượng con thương binh được miễn 100% học phí, em Phùng Thị Kim Yến, lớp Cao đẳng Kế toán (K10), Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận cho hay: Mỗi lần về phòng LĐ-TB&XH nhận tiền hỗ trợ miễn học phí thường phải chờ rất lâu mới có. Không những thế, hồ sơ hay bị thất lạc, phải về trường xin làm lại, rất rườm rà và mất thời gian.

Việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách này cũng có một số bất cập. Theo quy định, HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo thì sẽ được miễn học phí. Tuy nhiên, các địa phương khá “lúng túng” trong việc rà soát  để xác định đối tượng thuộc diện được hưởng chế độ. Ông Nguyễn Ngọc Định, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thuận Bắc cho biết: Thuận Bắc có 70% HSSV dân tộc thiểu số. Do hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH không tổ chức điều tra hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo nên địa phương chưa có căn cứ để xác nhận cho đối tượng. Huyện đã giao cho các xã tổ chức điều tra tiêu chí thu nhập, nhưng các xã cũng gặp nhiều khó khăn về quy trình, thời gian và kinh phí thực hiện.

Bên cạnh đó, việc thực hiện hỗ trợ miễn học phí và chi phí học tập cho các đối tượng theo vùng là chưa hợp lý. Theo quy định, nếu ở vùng đặc biệt khó khăn thì toàn bộ người học có cha mẹ thường trú ở vùng này sẽ được miễn thu học phí. Nhưng thực tế, có nhiều gia đình buôn bán, kinh tế khá giả nhưng lại được miễn thu học phí, điều này không công bằng trong thụ hưởng thành quả giáo dục.

Theo ông Trần Văn Thể, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH, nhà trường là nơi quản lý HSSV, nên việc thực hiện miễn, giảm học phí trực tiếp tại các cơ sở giáo dục như trước đây sẽ thuận lợi hơn, tránh thủ tục rườm rà, mất thời gian. Đồng thời, nên có sự điều chỉnh quy định miễn, giảm học phí cho đối tượng là trẻ em học mẫu giáo và HSSV có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Không nên quy định mức thu nhập tối đa so với hộ nghèo mà chỉ nói chung là “hộ cận nghèo” theo quy định mới của Nhà nước để việc xác định đối tượng thụ hưởng được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Cũng theo ông Trần Văn Thể, mức hỗ trợ theo quy định cho mỗi HS thuộc đối tượng chính sách là 70.000 đồng/tháng trong suốt cả giai đoạn (từ năm 2010-2015) thì sẽ rất khó để đảm bảo đủ sách, vở, đồ dùng học tập cho HS trong khi giá cả hàng hóa liên tục tăng. Nhằm tạo điều kiện cho HS ở các vùng đặc biệt khó khăn, hộ gia đình nghèo yên tâm học hành, tỉnh muốn trích từ ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm cho học sinh nhưng lại không được vì kiểm toán cho rằng như vậy là trùng chi. Do đó, liên Bộ LĐ-TB&XH - Bộ GD&ĐT - Bộ Tài Chính cần xem xét, hướng dẫn cho các địa phương có thể trích ngân sách để hỗ trợ (ngoài định mức quy định của Nghị định 49/2010/NĐ-CP) cho HS vùng đặc biệt khó khăn, HS thuộc diện chính sách có đủ sách, vở, đồ dùng học tập tối thiểu để học tập tốt.