Tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng

(NTO) Vắc-xin (Vaccine) là loại thuốc đưa vào cơ thể (tiêm, uống, hít) để phòng ngừa một số bệnh được lựa chọn trước, như phòng ngừa bệnh lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà…

Vắc-xin thường dùng là một loại vi khuẩn hoặc vi-rút gây ra một bệnh đặc hiệu (lao, sởi…) còn sống đã được bất hoạt (làm yếu đi, không còn khả năng gây bệnh nữa) hoặc loại vi khuẩn, vi-rút đã chết hoặc dùng một phần vi khuẩn, một đoạn gen của vi-rút khi đưa vào cơ thể, hệ thống bảo vệ cơ thể (miễn dịch) sẽ nhận diện các loại vi khuẩn, vi-rút này (kháng nguyên), huy động bạch cầu (tế bào bảo vệ cơ thể) tập trung bao vây tiêu diệt, đồng thời cũng tạo ra một chất đặc hiệu (kháng thể) chống lại vi khuẩn, vi-rút đó. Kháng thể này sẽ lưu hành trong cơ thể một thời gian nhất định (tùy loại vi khuẩn hoặc vi-rút). Sau này, nếu có loại vi khuẩn hoặc vi-rút đó từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể đã được tiêm ngừa vắc-xin, sẽ bị chất kháng thể đặc hiệu tiêu diệt ngay từ đầu, không cho chúng có thời gian phát triển để gây bệnh và cơ thể ta không mắc loại bệnh đó.

 
Cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Hải cho trẻ uống Vitamin A phòng chống suy dinh dưỡng.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ở nước ta, chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu thực hiện từ năm 1985 đến nay, đã giúp thanh toán bệnh Bại liệt (năm 2000) và loại trừ uốn ván sơ sinh (năm 2005), các bệnh trong chương trình tiêm chủng (bạch hầu, ho gà, sởi) có số ca mắc rất thấp và hầu như không còn ca tử vong. Tỉnh ta cũng đã được công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh và thanh toán bệnh bại liệt. Hiện nay, thế giới đang phát hiện nhiều loại bệnh truyền nhiễm mới (HIV, SARS, H5N1, H7N9, nhóm bệnh do Coronavirus) có tỉ lệ lây nhiễm khá nhanh và tỉ lệ tử vong khá cao mà chúng ta chưa tìm ra loại thuốc nào có khả năng điều trị đặc hiệu nên việc nghiên cứu tìm ra vắc-xin mới và sử dụng vắc-xin trong phòng các bệnh truyền nhiễm vẫn đang là giải pháp chủ lực cho tất cả mọi người dù là nước giàu hoặc nước nghèo.

Các chuyên gia y tế cho rằng nếu thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đúng theo quy trình, quy định của nhà sản xuất và ngành Y tế hướng dẫn thì nguy cơ xảy ra phản ứng phụ sẽ giảm đến mức thấp nhất. Tuy nhiên vắc-xin dù dưới hình thức nào cũng là một chất kháng nguyên lạ đưa vào cơ thể nhằm kích thích cơ thể tạo ra kháng thể nên việc xảy ra phản ứng phụ là khó tránh khỏi như mọi loại thuốc khác. Việc chấn chỉnh lại công tác tiêm chủng đang được ngành Y tế tích cực triển khai thực hiện như kiểm tra quy trình lạnh, quy trình vận chuyển, công tác bảo quản vắc-xin; tập huấn lại cho quy trình bảo quản vắc-xin, quy trình tiêm phòng vắc-xin cho cán bộ y tế; đồng thời tăng cường công tác truyền thông cho các bậc cha mẹ biết lợi ích của việc tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh và nhận biết các dấu hiệu bất thường sau tiêm ngừa để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế theo dõi. Những bà mẹ cần thực hiện tốt những việc sau đây khi đưa trẻ đi tiêm ngừa:

- Nếu trẻ tiêm lần đầu, cần thông báo cho cán bộ y tế (CBYT) về tiền sử bé sinh non, bệnh bẩm sinh, bệnh mắc phải, tiền sử dị ứng (nếu có).

- Chuẩn bị phiếu tiêm chủng của bé và xuất trình khi đến điểm tiêm ngừa khi tiêm lần sau. Thông báo cho CBYT biết bé có đang sốt hoặc mắc bệnh gì khác hoặc đang điều trị bệnh gì; những diễn biến khác thường khi bé tiêm ngừa lần trước (nếu có).

- Sau khi tiêm ngừa cho bé nên ngồi nán lại trong vòng 30 phút (vì những phản ứng nặng thường xuất hiện trong thời gian này).

- Về nhà cần tiếp tục theo dõi bé. Thông thường sau tiêm ngừa bé có thể có một vài phản ứng như: sốt nhẹ (dưới 38,5oC); đau, đỏ nơi tiêm; quấy khóc và sẽ hết trong vòng 1 ngày. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ 2 - 4 giờ/lần, cho trẻ uống paracetamol theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Cần đưa ngay bé đến cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau: sốt trên 39oC, ói nhiều, khóc thét, nổi ban, bé bú kém hoặc bỏ bú, li bì, lạnh tay chân, yếu tay chân, co giật, thở nhanh, khó thở, tím tái.