Ninh Thuận: Lời giải cho phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế

(NTO) Nhiều năm qua, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, tỉnh ta rất chú trọng việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả chưa đạt như mong muốn.

Thực trạng nguồn nhân lực

Vừa qua, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe lãnh đạo ngành Y tế báo cáo công tác đào tạo cán bộ y tế và hiệu quả thực hiện các Đề án thu hút cán bộ y tế; Đề án đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trúng tuyển Đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng giai đoạn 2009-2020. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến 30-6-2013, toàn ngành hiện có 375 bác sỹ (BS) đã được bố trí công tác tại tuyến tỉnh là 222 BS; tuyến huyện: 113; tuyến xã: 28 và 12 BS công tác ngoài ngành. Tổng số Dược sỹ (DS) đại học là 28. Với nguồn nhân lực nói trên, mới đạt bình quân 6,5 BS/vạn dân và 0,49 DS/vạn dân. So với bình quân chung cả nước là 8,5 BS/vạn dân, tỉnh ta đang thiếu trầm trọng nhân lực y tế ở cả ba tuyến. Hiện nay, tỷ lệ Trạm Y tế xã có BS công tác chỉ đạt 43% (28/65 trạm). Từ năm 2008-2012, Sở Y tế đã cử đi đào tạo trình độ đại học gồm: 84 BS, 13 DS, 41 Cử nhân y khoa; hệ sau đại học gồm: 3 BS chuyên khoa II, 60 BS chuyên khoa I, 2 DS chuyên khoa I và 7 thạc sỹ y khoa. Riêng đào tạo BS đại học hệ cử tuyển chuyên tu từ năm 1998- 2004 là 27 trường hợp.

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Trọng Sanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tận tụy chăm sóc bệnh nhân

Theo đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế, tuy có đào tạo nhưng tình trạng thiếu cán bộ có trình độ đại học rất nhiều, nhất là đội ngũ BS chuyên khoa ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh. Việc tuyển dụng các BS chuyên khoa: lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh rất khó. Theo Quyết định số 2095/2010 của UBND tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí đào tạo đại học cho những cán bộ ở độ tuổi không quá 40 tuổi, cho nên số người “quá tuổi” ngại đi học vì không có điều kiện tự bỏ kinh phí. Mặt khác, số sinh viên trúng tuyển Đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng, tự nguyện xin được nhận chế độ hỗ trợ từ nguồn kinh phí thực hiện đề án của tỉnh và cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về tỉnh làm việc không nhiều (từ năm 2008- 2012 chỉ có 30 sinh viên). Nguyên nhân do chương trình đào tạo theo địa chỉ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu hằng năm cho các trường Đại học Y, Dược chủ yếu dành cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, cho nên tỉnh ta rất khó khăn để có nguồn nhân lực như mong muốn của đề án.

Thiếu lực để thu hút nhân tài

Từ năm 2006-2012, có đến 45 cán bộ y tế đã nghỉ việc tại địa phương để đến TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh khác làm việc, vì những nơi đó có thu nhập cao hơn. Để bù đắp vào khoảng trống ngoài ý muốn, từ năm 2007 đến 2012, ngành Y tế đã thu hút 27 cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học, gồm: 1 Tiến sỹ, 3 BS chuyên khoa I, 14 BS, 3 Kỹ thuật viên cao cấp, 6 Cử nhân điều dưỡng về tỉnh công tác. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Y tế và những người trong cuộc thì việc “giữ chân” các BS với mức hỗ trợ theo đề án của tỉnh: đối với Tiến sỹ, BS chuyên khoa II là 80 triệu đồng/người; BS chuyên khoa I là 60 triệu đồng/người; BS là 40 triệu đồng/người và hỗ trợ đất xây nhà có thu tiền là chưa tương xứng. Trong khi đó, tại các nơi khác, mức hỗ trợ cao gấp nhiều lần. Đơn cử như tỉnh Quảng Ngãi, mức hỗ trợ cho BS khi thu hút về tỉnh làm việc là 220 triệu đồng/người và đất xây nhà có thu tiền nhưng với giá ưu tiên.

Trong số 27 cán bộ y tế thu hút về Ninh Thuận, đã có 3 BS sau khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được 2 năm, tình nguyện trả lại tiền hỗ trợ và đi làm việc ở tỉnh khác với lý do thu nhập không đủ trang trải đời sống. Từ năm 2008-2012, toàn tỉnh có 74 sinh viên trúng tuyển Đại học Y, Dược nhưng số sinh viên tham gia đề án đến làm thủ tục để nhận chế độ hỗ trợ khá khiêm tốn. “Chúng tôi hết sức động viên, nhưng nhiều sinh viên sau khi xem mức hỗ trợ đã không làm thủ tục để nhận chế độ, vì cho rằng quá thấp” – Giám đốc Sở Y tế Lê Minh Định bộc bạch.

Hiện tại, chỉ có số cán bộ, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học và đào tạo BS đại học hệ cử tuyển chuyên tu từ năm 1998 đến nay là nguồn nhân lực chủ yếu của ngành Y tế. Nhưng không có nhiều.

Tìm giải pháp hữu hiệu:

Nhằm tìm giải pháp để phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế, những tồn tại, hạn chế được nêu ra để rút kinh nghiệm tại cuộc họp, đó là trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Y tế chưa chặt chẽ, cho nên hầu như thông tin về Đề án đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trúng tuyển Đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng giai đoạn 2009-2020 chưa phổ biến sâu rộng đến các trường học, vì thế việc định hướng học sinh theo học ngành Y khá mờ nhạt. Bên cạnh đó, Đề án thu hút cán bộ y tế chưa sát với thực tế, làm cho việc thu hút nhân lực chưa đạt mục tiêu đề ra.

Y bác sĩ Trạm Y tế xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại cơ sở.
Ảnh: Sơn Ngọc

Để đạt được các mục tiêu đặt ra như: 8 BS/vạn dân, 1 DS đại học/vạn dân; 80% Trạm Y tế xã, phường có BS công tác thường xuyên; 100% Trạm Y tế xã, phường có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung cấp; 30% cán bộ làm công tác chuyên môn y tế có trình độ sau đại học trong tổng số cán bộ đại học y và dược theo kế hoạch đào tạo, thu hút và xã hội hóa nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2013-2020, đòi hỏi cần phải có những giải pháp thiết thực được triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Theo dự báo quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh thời kỳ 2011-2020, đến năm 2015, dân số tỉnh ta khoảng 650 nghìn người và đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 750 nghìn người. Trên cơ sở đó, ngành Y tế cần có khoảng 2.910 cán bộ, trong đó ít nhất là có 600 BS, 75 DS đại học và khoảng 1.356 điều dưỡng, nữ hộ sinh…Tuy nhiên, từ năm 2013-2020, tỉnh ta chỉ có 113 BS và 14 DS đang đào tạo lần lượt ra trường. Như vậy, cần phải bổ sung 112 BS, 33 DS đại học và 56 BS, DS sau đại học. Từ nay đến năm 2020, ngành Y tế phấn đấu thu hút khoảng 62 BS và 13 BS đại học tốt nghiệp hệ chính quy, đồng thời thúc đẩy xã hội hóa nguồn nhân lực y tế bằng cách tuyển dụng từ các cơ sở y tế tư nhân…

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, ngoài việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế chủ lực là người địa phương; quan tâm hơn hữa các chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút nhân tài ngoài tỉnh đến công tác cũng như đội ngũ BS trong tỉnh. Có như vậy, mới mong đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong tương lai.