Vấn đề hôm nay:

Hai mặt của một vấn đề!

(NTO) Thời gian gần đây báo chí đề cập nhiều đến tình trạng sử dụng các loại hóa chất độc hại cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm nhất là thực phẩm chế biến sẵn như chất Tinopal để tẩy trắng bún, sợi phở; acid Oxalic (chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm)... làm cho không ít người tiêu dùng tỏ ra e ngại và nhiều người trong số đó “tuyên bố” nói “không” với các loại bánh ướt, bánh cuốn, bún, phở... vốn là các món “khoái khẩu” nhất là ăn sáng trước khi đến sở làm để quay về với bữa ăn sáng “truyền thống” tại gia!

Đó là mới nói đến một phía là người tiêu thụ còn người sản xuất, chế biến thì sao? Không đâu xa, qua tìm hiểu thực tế một số địa phương trong tỉnh nhất là trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm vốn có nhiều hàng, quán ăn nhất thì người sản xuất, chế biến thực phẩm cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều hàng quán bán thức ăn chế biến có sử dụng bún như bún bò, bún phở, bánh hỏi... lượng khách có giảm hẳn. Một số cơ sở chế biến bún, bánh phở... số lượng tiêu thụ giảm đáng kể mặc dù theo chủ các cơ sở này cho biết từ trước đến nay chỉ sản xuất với quy trình truyền thống, tuyệt đối không sử dụng hóa chất như báo chí nêu!

Quả là khó... thanh minh một khi niềm tin của thực khách đã bị “lung lay” bởi phải đối mặt với thực phẩm không an toàn ngày càng phổ biến. Đã không tin thì hạn chế sử dụng và điều này đã kéo theo hệ lụy là những người bán thực phẩm chế biến cũng như cơ sở sản xuất thực phẩm chân chính mất khách, đồng nghĩa với việc làm, đời sống sẽ khó khăn do giảm nguồn thu nhập. Quả là “tình ngay lý gian” và “nỗi oan” này ai sẽ giải?

Theo chúng tôi, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố công khai trên các phương tiện thông tin tại địa phương để người tiêu dùng biết, qua đó kiên quyết tẩy chay đối với những cơ sở sản xuất, hàng quán…vì hám lợi đã sử dụng chất độc hại, chất cấm trong chế biến thực phẩm, đồng thời “giải oan” cho những cơ sở làm ăn trung thực, chính đáng, bảo đảm an toàn vệ sinh. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là ngay chính người sản xuất, buôn bán thực phẩm cần khẳng định uy tín với người tiêu dùng bằng chính sản phẩm “sạch” thực sự của mình.

Thêm một lần nữa lời khuyên không thừa là: “Hãy làm người tiêu dùng thông thái”. Tuy nhiên, trước khi làm người “thông thái” cần cảnh giác và kiên quyết nói không với thực phẩm “bẩn” để tự bảo vệ chính sức khỏe của mình và người thân.