Thời gian qua, Báo Người cao tuổi đã đăng loạt bài về gia đình liệt sĩ, thương binh Nguyễn Thị Đều - thôn Cà Đú, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, qua các số báo:
- Ngày 22-02-2012, đăng bài: “Ai thấu hiểu cho mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Đều” của tác giả Phan Liên Hòa.
- Ngày 27-3-2012, đăng loạt bài: "Không thể cư xử với mẹ liệt sĩ như thế!” của tác giả Nguyễn Thế Liêm (cán bộ Lão thành cách mạng); bài “Phải trả lại tài sản cho mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Đều” của tác giả Lê Ngọc Tính (hội viên Hội CCB tỉnh); bài “Đừng vô cảm trước hoàn cảnh của gia đình có công với đất nước” của tác giả Hồng Sơn (hội viên Hội CCB thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).
- Ngày 26 tháng 3 năm 2013 đăng bài: Tỉnh Ninh Thuận: Thương binh Nguyễn Thị Đều 95 tuổi, vợ một cán bộ lão thành cách mạng, mẹ của hai liệt sĩ, một thương binh không có nhà ở làm nơi thờ cúng (tác giả Trần Hoàng).
- Ngày 02 tháng 4 năm 2013 đăng các bài: Mẹ Nguyễn Thị Đều có đủ tiêu chuẩn được phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (Kim Quốc Hoa); bài Sao họ có thể vô cảm, vô tâm đến vậy? (Trần Thị Kim Anh – Khánh Hòa).
- Ngày 09 tháng 4 năm 2013, đăng bài: Tỉnh Thái Bình: chia sẻ với gia đình liệt sĩ, thương binh Nguyễn Thị Đều (tác giả Nguyễn Trọng Thắng).
- Ngày 18 tháng 4 năm 2013, đưa tin: Tổng Biên tập báo Người cao tuổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
- Ngày 22 tháng 4 năm 2013, đăng bài: Báo Người cao tuổi khởi công xây nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Đều (tác giả Quang Sơn).
- Ngày 23 tháng 4 năm 2013, đăng bài “Xung quanh việc xây nhà tặng mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Đều: Đã thiếu trách nhiệm còn báo cáo sai sự thật!”.
Nội dung các bài báo đưa tin, phản ảnh cuộc sống khó khăn của cụ Nguyễn Thị Đều và việc giải quyết chế độ chính sách cho cụ Đều của các cấp chính quyền, các ngành chức năng ở địa phương còn nhiều bất cập. Đồng thời, đưa tin việc ông Phạm Minh Quốc cư ngụ tại phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm lừa cụ Đều điểm chỉ vào hồ sơ bán đất cho ông để ông và một số người hưởng lợi gần 01 tỷ đồng...
Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp thông tin phản hồi từ các ngành chức năng về tình hình, quá trình giải quyết vụ việc như sau:
I/ Tình hình giải quyết chế độ chính sách, cải thiện nhà ở đối với gia đình cụ Nguyễn Thị Đều:
1/ Sau khi báo Người cao tuổi thông tin phản ánh gia đình liệt sĩ, thương binh Nguyễn Thị Đều chưa được các cấp, ngành chức năng ở địa phương quan tâm giúp đỡ, để cụ Đều sống nghèo khổ, điêu đứng,... qua các bài viết đăng trên số báo ngày 22-02-2012 và ngày 27-3-2012.
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã cử chuyên viên của Ban phối hợp với Ban Tuyên giáo thành ủy và UBND xã Thành Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đến thăm nhà cụ Nguyễn Thị Đều, đồng thời nắm tình hình và yêu cầu UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm báo cáo cụ thể quá trình giải quyết chế độ chính sách cho gia đình cụ Đều.
Qua khảo sát thực tế về hiện trạng nhà ở của gia đình cụ Đều và báo cáo của UBND xã Thành Hải: Từ năm 1998 đến nay, cụ Đều sống với con gái tên là Lê Thị Mận trên Thửa đất số 39, tờ bản đồ số 8c, loại đất ONT với diện tích 269,6m2 do bà Lê Thị Mận đứng tên; diện tích đang sử dụng làm nhà ở là 153,7m2 gồm 3 căn nhà cấp IV liền kề nhau, căn thứ nhất với diện tích 35,7 m2 gia đình đang sử dụng làm nơi buôn bán; căn thứ hai là nhà cấp IV kiên cố với diện tích 73,7m 2 gia đình đang sử dụng để ở; căn thứ ba xây bằng táp lô. Đồng thời, ngày 15-5-2012, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có Báo cáo số 73/BC-UBND về quá trình giải quyết cải thiện nhà ở đối với hộ cụ Nguyễn Thị Đều. Các chế độ chính sách của gia đình cụ được địa phương thực hiện đầy đủ. Đối với trường hợp gia đình cụ Đều đã có nhà ở ổn định, do đó chưa thực hiện việc cải thiện nhà ở đối với gia đình cụ theo Quyết định số 118/TTg ngày 27-02-1996 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 15-01-2008 của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở.
Trên cơ sở đó, ngày 15-6-2012 Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Thuận có Công văn số 596-CV/TG gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông và báo Người cao tuổi để phản hồi thông tin trên.
2/ Ngày 26-3-2013 đến ngày 23-4-2013, báo Người cao tuổi tiếp tục đăng nhiều bài báo đưa tin: gia đình liệt sĩ, thương binh Nguyễn Thị Đều chưa được các cấp, ngành chức năng ở địa phương quan tâm giúp đỡ, để cụ Đều sống nghèo khổ, điêu đứng,...
Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 01 tháng 4 năm 2013 Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp với các ngành, gồm: Sở LĐ-TBXH; Công đoàn Viên chức tỉnh; Ban Đại diện Người cao tuổi tỉnh; phòng LĐ-TBXH, UBND xã Thành Hải, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Qua đó, các ngành chức năng đã báo cáo quá trình giải quyết chế độ chính sách đối với gia đình cụ Nguyễn Thị Đều và làm rõ các nội dung mà Báo người cao tuổi đã phản ảnh:
2.1/ Cụ Nguyễn Thị Đều chuyển nơi ở từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Ninh Thuận:
Cụ Nguyễn Thị Đều, sinh năm 1919, quê ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, là thương binh hạng 2/4, có hai con trai là liệt sĩ và một con gái (là bà Lê Thị Mận - thương binh 21%). Tháng 8 năm 1998, bà Lê Thị Mận có đơn đề nghị chuyển hồ sơ thương binh, hồ sơ liệt sĩ và đưa cụ Đều từ tỉnh Bình Định đến sinh sống và chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi người có công tại tỉnh Ninh Thuận. Trong quá trình giải quyết chuyển hồ sơ, để có nơi ở ổn định và bảo đảm việc nuôi dưỡng chăm sóc cụ Đều, ngày 12-9-1998 bà Lê Thị Mận đã làm Giấy cam kết với chính quyền địa phương, tuyệt đối thi hành chính sách Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ công dân đối với xã hội và bổn phận người con, người mẹ đối với gia đình, bảo đảm nuôi dưỡng, chăm sóc cụ Đều lúc già yếu, đau bệnh, đến cuối đời. Từ đó đến nay, cụ Đều sống chung với bà Mận tại thôn Cà Đú, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
2.2/ Về việc xác minh danh sách Lão thành cách mạng đối với ông Lê Kính – chồng của cụ Đều:
Ngày 26-3-2013, báo Người cao tuổi có đăng thông tin ông Lê kính (chồng của cụ Nguyễn Thị Đều) là cán bộ lão thành cách mạng. Sau khi có phản hồi của Sở Lao động Thương và Xã hội: ông Lê Kính không phải là cán bộ cách mạng lão thành, thì ngày 23-4-2013 báo Người cao tuổi lại thông tin ông Lê kính lấy vợ hai tại tỉnh Quảng Ninh, do vậy các chế độ chính sách của ông do gia đình ngoài Bắc hưởng.
Trước những thông tin đó, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã làm việc với Ban Tổ chức tỉnh ủy và Sở Lao động Thương binh và xã hội, cho biết hiện nay tỉnh Ninh Thuận có 42 đồng chí Lão thành cách mạng và 15 đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa. Đối chiếu với trường hợp chồng của cụ Nguyễn Thị Đều là ông Lê Kính – không có trong danh sách này.
2.3/ Về thực hiện chế độ chính sách đối với cụ Nguyễn Thị Đều:
Các chế độ chính sách, ưu đãi hàng tháng của cụ Đều được phòng Lao động Thương binh và Xã hội, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thực hiện đầy đủ hàng tháng từ khi cụ Đều chuyển về sinh sống tại Ninh Thuận cho đến nay. Hiện nay, cụ Đều được hưởng các khoản: trợ cấp tuất liệt sĩ, trợ cấp thương binh, trợ cấp đối với người có công cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội cho người cao tuổi; với tổng số tiền là 4.986.000 đồng (bốn triệu chín trăm tám mươi sáu nghìn đồng); đồng thời bà Lê Thị Mận còn có các khoản thu nhập khác như có đất sản xuất, buôn bán nhỏ ở gia đình tại địa phương.
2.4/ Quá trình phát sinh khiếu nại và trách nhiệm đã phối hợp giải quyết của các cấp và ngành chức năng:
- Ngày 15-3-2002, gia đình cụ Đều có đơn xin cứu xét xây nhà tình nghĩa. Qua khảo sát thực tế về hiện trạng nhà ở của gia đình cụ Đều (hiện trạng nhà ở như trên đã nêu – điểm 1, phần I). Phòng Tổ chức – Lao động và xã hội thị xã Phan Rang – Tháp Chàm (nay là Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) có văn bản số 28-CV/TBXH ban hành ngày 08-4-2002 trả lời đơn cứu xét của cụ Nguyễn Thị Đều và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với nội dung chính: gia đình cụ Đều có nhà ở ổn định, không thuộc diện hỗ trợ cải thiện nhà ở, theo Quyết định số 118/TTg ngày 27-02-1996 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ việc xét tặng nhà tình nghĩa do các địa phương đề nghị các đơn vị, cá nhân, tập thể... vận động xây tặng, được hỗ trợ theo phương châm “người khó khăn nhiều được hỗ trợ trước, người khó khăn ít hơn được hỗ trợ sau”. Thời điểm đó ở địa phương còn nhiều trường hợp rất khó khăn nhưng vì khả năng ngân sách tỉnh có hạn nên vẫn chưa được giải quyết, vì vậy xét hoàn cảnh gia đình cụ Đều chưa quá bức xúc về nhà ở, do đó sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết sau.
- Tuy nhiên, gia đình không hài lòng và đã có đơn khiếu nại đề nghị giải quyết chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ. Ngày 30-6-2002, bà Lê Thị Mận có đơn khiếu nại đề nghị giải quyết chính sách đối với gia đình thương binh liệt sĩ và khiếu nại đồng chí Phó phòng Phòng Tổ chức – Lao động và xã hội thị xã Phan Rang – Tháp Chàm không khách quan khi thực hiện chế độ chính sách đối với gia đình bà. Qua đó, Phòng Tổ chức – Lao động và xã hội thị xã Phan Rang – Tháp Chàm đã có Công văn số 71 CV/TBXH ban hành ngày 20-8-2002 trả lời đơn khiếu nại của bà Lê Thị Mận và báo cáo Văn phòng tỉnh ủy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Thanh tra thị xã Phan Rang – Tháp Chàm: Các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, tiền quà nhân dịp lễ, tết của tỉnh, của Trung ương đối với gia đình bà Mận và cụ Đều đều được thực hiện, giải quyết theo đúng quy định hiện hành. Riêng chế độ tham quan, nghỉ dưỡng sức do xã (phường) lựa chọn và đề nghị, do mức phân bổ hàng năm ít mà đối tượng nhiều nên không thể giải quyết cùng lúc cho tất cả mọi đối tượng mà giải quyết luân phiên và phải đúng quy định. Từ khi cụ Đều chuyển về địa phương, UBND xã Thành Hải đã đề nghị cho cụ đi nghỉ dưỡng một lần.
Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, địa phương cũng rất chú ý quan tâm đến trường hợp cụ Đều nhiều lần có đơn đề nghị xây dựng nhà tình nghĩa. Cụ thể ngày 19-10-2010 Công đoàn Viên chức Việt Nam có Thông báo số 279/TB-CĐVC về việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình có công tại tỉnh Ninh Thuận (trị giá 30.000.000 đồng/nhà và hỗ trợ 01 ti vi trị giá 5 triệu đồng). Sau đó, Công đoàn Viên chức tỉnh làm việc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội thống nhất xây nhà tình nghĩa cho cụ Nguyễn Thị Đều. Qua khảo sát, lúc bấy giờ cụ Đều không có đất ở hợp pháp (vì bà ở với con gái), do vậy Công đoàn Viên chức tỉnh đề nghị bà Lê Thị Mận (con gái cụ Đều) làm thủ tục giao lô đất mà cụ Đều đang ở tạm để tiến hành xây nhà tình nghĩa cho cụ, nhưng bà Mận không đồng ý.
- Ngày 20-9-2011, cụ Nguyễn Thị Đều tiếp tục có đơn đề nghị xây nhà tình nghĩa gửi Giám đốc Sở LĐ-TBXH. Ngày 05-10-2011, Sở LĐ-TBXH chuyển Phòng LĐ-TBXH thành phố Phan Rang – Tháp Chàm xem xét hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở cho gia đình cụ Đều.
Để có cơ sở giải quyết cho cụ Đều, ngày 14-10-2011 Phòng LĐ-TBXH thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có Công văn số 179/LĐTBXH-NCC trả lời và hướng dẫn gia đình cụ Đều liên hệ với UBND xã Thành Hải để hướng dẫn thủ tục giải quyết theo đúng quy trình. Nhưng gia đình cụ Đều không liên hệ với UBND xã Thành Hải để được hướng dẫn thủ tục mà vẫn tiếp tục kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận qua cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương.
Ngày 09-01-2012, Sở LĐ-TBXH ban hành Công văn số 26/SLĐTBXH-NCC “về việc hỗ trợ cải thiện nhà ở” gửi UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đề nghị chỉ đạo UBND xã Thành Hải hướng dẫn gia đình cụ Đều làm đơn và lập thủ tục đề nghị giải quyết cải thiện nhà ở theo Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND.
Ngày 13-02-2012, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm ban có bản số 83/UBND-LĐTBXH chỉ đạo UBND xã Thành Hải xem xét đề nghị giải quyết hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở cho gia đình cụ Đều theo đúng quy định. Chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, ngày 01-3-2012 UBND xã Thành Hải tiến hành khảo sát thực trạng về đất ở, nhà ở của gia đình cụ Đều. Về hiện trạng nhà ở, đất ở của gia đình cụ Đều như đã nêu trên và căn cứ Quyết định số 118/TTg ngày 27-02-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở và Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 15-01-2008 của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, thì việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng được thực hiện theo phương châm: không hỗ trợ đồng loạt cho tất cả các đối tượng. Những người được hỗ trợ phải thật sự khó khăn về nhà ở. Người có khó khăn đặc biệt được hỗ trợ trước, người khó khăn ít hơn thì được xem xét hỗ trợ sau; những trường hợp đã có nhà ở do bản thân hoặc gia đình tự tạo lập, nhà ở do con cháu ruột trực tiếp nuôi dưỡng, đều xem như đã có nhà ở, không thuộc diện xét cấp đất, cấp nhà và cải thiện nhà ở... Như vậy, đối với trường hợp gia đình cụ Đều đã có đất ở, nhà ở ổn định với con là bà Lê Thị Mận theo bản cam kết đã nêu trên, về nguyên tắc hỗ trợ cải thiện nhà ở thì gia đình cụ Đều không thuộc diện khó khăn về đất ở, nhà ở.
Tuy nhiên xét về hoàn cảnh thì cụ Đều tuổi đã cao, là thương binh 61%, mẹ của 2 con trai là liệt sĩ và 1 con gái là thương binh 21% (bà Lê Thị Mận); do đó, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã ban hành Quyết định 2675/QĐ-UBND ngày 13-9-2012 về việc giao cho hộ cụ Nguyễn Thị Đều thửa đất số C27 tờ bản đồ quy hoạch tại Khu quy hoạch tái định cư Thành Hải (giai đoạn 2), xã thành Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, với diện tích là 184m2 và miễn giảm 100% tiền sử dụng đất. Ngày 17-9-2012 tại phòng LĐTB-XH thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã tiến hành giao Quyết định số 2675/QĐ-UBND của UBND thành phố cho bà Lê Thị Mận (con gái cụ Đều). Ngày 22-10-2012 UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho hộ bà Nguyễn Thị Đều số sổ đỏ CH01289 thửa đất số 541 tờ bản đồ số 07, diện tích 184m2 (bà Lê Thị Mận đại diện ký nhận).
- Đến tháng 02 năm 2013, bà Lê Thị Mận (con cụ Đều) có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Ninh Thuận với nội dung UBND thành phố kéo dài không giao đất cho cụ Nguyễn Thị Đều và đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ngày 06-02-2013 của UBND tỉnh có Công văn số 585/UBND-NC chỉ đạo UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm xem xét, kiểm tra hồ sơ khiếu nại của bà Lê Thị Mận. Ngày 15-3-2013, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có văn bản số 232/UBND trả lời đơn thư khiếu nại của bà Lê Thị Mận với nội dung: Ngày 22-10-2012 UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho hộ bà Nguyễn Thị Đều số sổ đỏ CH01289 thửa đất số 541 tờ bản đồ số 07, diện tích 184m2 và tiến hành giao cho cụ Đều (bà Lê Thị Mận đại diện ký nhận).
- Ngày 28-3-2013, Tỉnh ủy Ninh Thuận tiếp nhận Công văn số 68/CV-BNCT của báo Người Cao tuổi về việc đề nghị giao đất để xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ, thương binh Nguyễn Thị Đều. Ngày 10-4-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn số 1326-CV/TU yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, giải quyết đúng quy định của pháp luật.
3/ Về việc cụ Đều bị lừa bán đất: báo Người Cao tuổi đã đưa tin cụ Nguyễn Thị Đều bị lừa bán đất giá rẻ là 32 triệu đồng cho ông Phạm Minh Quốc (cư ngụ tại phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm); cán bộ địa chính hai cấp (xã và thành phố) tiếp tay lừa mua đất với giá rẻ để hưởng lợi gần 01 tỷ đồng,...
Trước hết phải xác định: phần đất chuyển nhượng là thuộc quyền sử dụng của bà Lê Thị Mận (con gái cụ Đều) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2079 QSDĐ/TH-Đ.18 được UBND thị xã (nay là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) ký ngày 17-4-1997 cấp cho bà Lê Thị Mận diện tích 3.188m2 bao gồm hai thửa: thửa số 135 diện tích 1.344m2 và thửa số 120 diện tích 1.844m2 thuộc tờ bản đồ số 3 đứng tên Lê Thị Mận chứ không phải đất của cụ Đều. Bà Mận đã chuyển nhượng đất cho ông Phạm Minh Quốc hiện cư ngụ tại phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, là sự thỏa thuận giữa hai bên, với số tiền là 54.400.000 đồng và được UBND xã Thành Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chứng thực ngày 26 tháng 8 năm 2009. Thế nhưng, Báo Người cao tuổi đưa tin với số tiền là 32 triệu đồng là không đúng sự thật.
- Ngày 26-02-2010, bà Lê Thị Mận có đơn khiếu nại gửi các cấp, các ngành với nội dung: Gia đình bà Lê Thị Mận có hai thửa ruộng hiện tọa lạc tại thôn Cà Đú, xã Thành Hải với tổng diện tích là 3.188m2. Bà Lê Thị Mận cho ông Phạm Minh Quốc làm không hai thửa ruộng trên không lấy lợi nhuận, nhưng sau đó ông Quốc thường xuyên lên xuống nhà bà dụ dỗ, lừa gạt và dùng nhiều biện pháp bắt buộc bà Mận phải bán giá rẻ hai thửa ruộng trên cho ông Quốc; trong lúc gia đình bà đang xảy ra nhiều chuyện buồn nên bà đã đồng ý sang nhượng hai thửa ruộng trên với số tiền là 54.400.000 đồng (Năm mươi bốn triệu, bốn trăm nghìn đồng) và bà Mận đã nhận đủ tiền bán đất. Sau đó, bà Mận tiếp tục có đơn khiếu kiện sự việc trên với các cấp, ngành.
Quá trình giải quyết của các cấp, các ngành:
- Việc khiếu nại của bà Lê Thị Mận đã được UBND xã Thành Hải tiến hành hòa giải ngày 11-3-2010 nhưng không thành.
- Ngày 11-5-2010, UBND xã Thành Hải có Công văn số 16/CV-UBND về việc trả lời đơn khiếu nại của bà Lê Thị Mận. Ngày 05-11-2010, UBND xã Thành Hải có Công văn số 38/CV-UBND về việc trả lời Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Sở Tư pháp về việc đề nghị giải quyết đơn khiếu nại của bà Mận.
- Ngày 19-12-2010, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận đơn tố cáo và kêu oan của cụ Nguyễn Thị Đều và bà Lê Thị Mận tố cáo ông Phạm Minh Quốc cư ngụ phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của gia đình bà trong lúc gia đình bà rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
UBND tỉnh có Công văn số 561/UBND-NC ngày 18-02-2011 về việc giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh xem xét, kiểm tra lại hồ sơ nội dung vụ tố cáo của bà Mận đối với ông Phạm Minh Quốc, ngụ tại khu phố 3, phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 15-4-2011, Văn phòng UBND tỉnh ra Thông báo số 585/TB-VPUB thông báo kết luận của Ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp giải quyết khiếu nại của công dân và giải quyết vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn tỉnh”, trong đó có vụ của bà Lê Thị Mận, như sau: “Chấp nhận hướng xử lý theo đề xuất của Sở Tư pháp tại Công văn số 240/STP-PBGDPL ngày 09-3-2011 - đây là vụ việc tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, hướng dẫn bà Mận khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để giải quyết theo thẩm quyền”.
- Ngày 8-8-2011, UBND tỉnh Ninh Thuận có Công văn số 3250/UBND-NC về việc trả lời vụ việc bà Lê Thị Mận: Hiện nay đất này chưa có quyết định thu hồi và bồi thường cho ông Phạm Minh Quốc (vì dự án mở rộng cụm Công nghiệp Thành Hải giai đoạn 2 chưa triển khai thực hiện) và cho đến nay bà Lê Thị Mận chưa tiến hành gửi đơn đến Tòa án nhân dân thành phố để khởi kiện theo văn bản của tỉnh.
Như vậy, báo Người cao tuổi đưa tin: khoản tiền mà ông Phạm Minh Quốc và một số cán bộ hưởng lợi gần 01 tỷ đồng là không đúng.
4/ Về việc xét phong tặng danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cụ Nguyễn Thị Đều:
Theo Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, cụ Nguyễn Thị Đều đủ điều kiện để đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh và địa phương đang tiến hành rà soát và làm thủ tục thực hiện theo Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 05 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt nam anh hùng”, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2013.
II/ Thực hiện chế độ chính sách đối với người có công cách mạng của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua:
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công trong tỉnh vươn lên, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Toàn tỉnh hiện có 3.473 người có công cách mạng. Trong 05 năm gần đây (2007-2012), từ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 3.256 căn nhà, tổng trị giá 35,465 tỷ đồng; đã vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân tặng 2.352 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 941,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ chính sách có mức sống trung bình trở lên đạt trên 98%.
Đối với gia đình cụ Đều, các cấp và ngành chức năng đã giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách đối với cụ Nguyễn Thị Đều và đã cố gắng động viên, thuyết phục gia đình cụ trong việc giải quyết về nhà ở, đất ở nhằm đảm bảo tương quan chung, đồng thời phải đúng quy định của pháp luật.
Có thể nói, trong thời gian qua, báo Người cao tuổi đã đăng tải nhiều bài, đưa tin với nhiều nội dung thiếu khách quan, chưa chính xác và đã sử dụng nhiều ngôn từ phản ánh, phê phán hết sức phản cảm, gây dư luận xã hội không tốt về việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công cách mạng của Đảng bộ và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Cụ thể, một số thông tin như sau:
- Gia đình liệt sĩ, thương binh Nguyễn Thị Đều không được Đảng bộ và chính quyền địa phương giúp đỡ (số báo ngày 22-02-2012 và ngày 27-3-2012).
- Cụ Nguyễn Thị Đều vợ của ông Lê Kính là cán bộ Lão thành cách mạng (số báo ngày 26-3-2013).
- Cụ Đều bị ông Phạm Minh Quốc lừa bán đất với số tiền 32 triệu đồng để ông và một số người hưởng lợi gần 01 tỷ đồng (các số báo đều đề cập vấn đề này).
- Cụ Đều nhiều lần làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng nhưng chưa được giải quyết (nhiều số báo đưa tin).
- Việc đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cụ Nguyễn Thị Đều, địa phương và các ngành chức năng đang làm hồ sơ, thủ tục theo Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ 15 tháng 7 năm 2013). Đồng thời tiến hành làm thủ tục hỗ trợ cải thiện nhà ở cho cụ Đều theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ (có hiệu lực thi hành từ 15 tháng 6 năm 2013). Thế nhưng, báo Người cao tuổi ngày 02 tháng 4 năm 2013 với tuýt đề: Mẹ Nguyễn Thị Đều có đủ tiêu chuẩn được phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (Kim Quốc Hoa) đưa tin về loạt vấn đề giải quyết chế độ chính sách, cụ Đều bị lừa điểm chỉ vào hồ sơ bán đất và việc địa phương không quan tâm xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cụ Đều, với những ngôn từ hết sức chủ quan là: Không biết Pháp lệnh này, chính phủ có ban hành Nghị định không? Liệu kể cả sau khi có Nghị định, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương có tiếp tục chờ ban hành Thông tư hướng dẫn?....
Để giúp dư luận hiểu rõ hơn về công tác giải quyết chế độ chính sách đối với người có công cách mạng trong toàn tỉnh nói chung và gia đình liệt sĩ, thương binh Nguyễn Thị Đều nói riêng, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhất là dịp hướng về kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2013); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp thông tin để dư luận hiểu rõ hơn về trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận trong việc thực hiện chính sách đối với người có công cách mạng.