Thuận Bắc: Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

(NTO) Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua Ðảng bộ, chính quyền huyện Thuận Bắc đã huy động toàn xã hội vào cuộc với nhiều cách làm cụ thể, từng bước đạt hiệu quả thiết thực.

Đồng chí Phạm Văn Cây, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Quan điểm của địa phương trong xây dựng NTM là không triển khai dàn trải, mà có lộ trình tùy theo điều kiện cụ thể của từng xã để quyết định thực hiện từng tiêu chí. Huyện có sự thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các xã lập đề án thực hiện các tiêu chí hướng vào những lĩnh vực chính, như: sản xuất nông nghiệp, quy hoạch lại diện tích đất sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đường vào Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) được bê-tông từ Chương trình xây dựng NTM.

Xác định muốn phát triển thì quy hoạch phải đi trước, nên địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tập trung làm tốt công tác này. Đến nay, Đề án NTM của 6 xã trên toàn huyện đã được phê duyệt. Mục tiêu chung của các đề án là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển toàn diện, bền vững, có chất lượng.

Do trình độ canh tác của bà con vùng cao hạn chế, nên địa phương đưa ra biện pháp phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập (tiêu chí NTM) là hình thành các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Từ quan điểm đó, bằng nguồn vốn lồng ghép các chương trình, ngành chức năng đã triển khai hàng loạt mô hình như: Mô hình canh tác cây ăn quả trên đồi dốc, triền núi; mô hình thâm canh cây mía, bắp lai… Kết quả một số hộ dân đã thực hiện thành công, cụ thể như hộ anh Chamaléa Xưa, Ka-tơ Tượng ở xã Phước Chiến trồng chuối, mít nghệ, dứa mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng/ha. Thắng lợi ban đầu qua thực hiện các mô hình đã tạo đà cho địa phương nhân ra diện rộng. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục triển khai mô hình trồng cây chuối sứ tập trung quy mô 6 ha ở khu vực Núi Một, xã Lợi Hải; mô hình cây dứa quy mô 1 ha tại thôn Xóm Đèn, xã Công Hải; mô hình cây mía, quy mô 3 ha tại xã Phước Kháng.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi, chủ trương chung là chú trọng nâng cao chất lượng đàn, xây dựng mô hình điểm nuôi các loài đặc sản. Đồng chí Ka-tơ Đượng, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, cho rằng: Tập quán chăn thả quản canh, chăm sóc kém là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đàn bò của các hộ dân ở vùng cao thấp như hiện nay. Chỉ có đẩy nhanh tỷ lệ sind hóa đàn bò mới nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho hộ nuôi. Thuận lợi trong chăn nuôi của các xã vùng cao là nhờ được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông nên đến nay huyện đã xây dựng được 12 tổ nuôi và kinh doanh heo đen tại xã Lợi Hải, 8 nhóm đồng sở thích nuôi bò ở xã Phước Kháng, Phước Chiến… Sắp tới, các nhóm sẽ được Dự án hỗ trợ con giống để cải tạo đàn.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM , nông dân thôn Mỹ Nhơn xã Bắc Phong (Thuận Bắc)
nuôi bò vỗ béo hướng tới đạt tiêu chí thu nhập.

Trong khi đó, các khu vực sử dụng nước tưới từ kênh Bắc, hồ Sông Trâu như ở một số thôn của xã Bắc Phong, Công Hải, Lợi Hải… hình thức sản xuất có hiệu quả mà địa phương đề ra để tăng thu nhập cho nông dân là mở rộng diện tích sử dụng đất bằng cách đầu tư hệ thống thủy lợi, đa dạng hóa cây trồng; vận động bà con “dồn điền” thực hiện các mô hình lúa giống, mô hình “1 phải, 5 giảm”, coi đó là bước đột phá trong xây dựng NTM. Hiện nay, địa phương đã xây dựng mô hình điểm tại thôn Ba Tháp (Bắc Phong) và thôn Hiệp Kiết (Công Hải), từ đó đã hình thành những “cánh đồng mẫu lớn”, bà con gieo trồng tập trung đúng lịch thời vụ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đạt năng suất cao. Về chăn nuôi, do những đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp nên địa phương chỉ đạo nông dân đẩy mạnh phát triển trang trại gia đình, coi đó là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa từ kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Hiện nay, bên cạnh nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo, địa phương đang duy trì và phát triển 4 trang trại gà siêu trứng, quy mô trên 12.000 con tại xã Công Hải và Lợi Hải; cừu quy mô 300 con tại Lợi Hải và đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi heo siêu thịt, quy mô 1.000 con ở Bắc Sơn.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng, từ nguồn vốn các chương trình, sự hỗ trợ vật liệu xi-măng của tỉnh và đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhiều công trình trên địa bàn được xây dựng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, địa phương đã triển khai 10 công trình, với tổng kinh phí trên 7,5 tỷ đồng; trong đó, giao thông đã bê-tông hóa được gần 1.800m đường liên thôn; kiên có hóa kênh mương nội đồng ở xã Công Hải với chiều dài 400m; xây mới 4 phòng học, 1 phân trạm y tế... Huyện cũng đã có kế hoạch triển khai thêm 14 công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù của Chương trình xây dựng NTM vào những tháng cuối năm 2013.

Từ cách làm linh động, đến nay bình quân các xã trong huyện đã đạt chuẩn từ 5 đến 8 tiêu chí, riêng xã Bắc Phong đạt được 9 tiêu chí. Những tháng cuối năm, địa phương tiếp tục lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn huyện một cách đồng bộ; vận động nhân dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Huyện phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM phụ trách địa bàn, thường xuyên về cơ sở giải thích cho người dân hiểu mục đích xây dựng NTM là phục vụ cho chính lợi ích của mình và người dân là chủ thể của chương trình để từ đó tham gia tích cực hơn.