Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất của ngành Công nghiệp có hướng tăng trưởng nhẹ. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 876,7 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tăng trưởng cao nhất là nhóm công nghiệp khai thác tăng 12,94%, kế đến là nhóm công nghiệp điện, nước tăng 8,94% và thấp nhất là công nghiệp chế biến tăng 1,92%. Qua đó góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 2,9%. Các sản phẩm chủ yếu tiếp tục duy trì tăng trưởng, đó là: hải sản xuất khẩu tăng 64,72%, muối các loại tăng 23,84%, may gia công tăng 10,42%, đá granite tăng 108%, điện thương phẩm tăng 9,44%, nước ghi thu tăng 14,2% và đường RS tăng 2,56%.
Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận phấn đấu từ nay đến cuối năm
sản xuất đạt 19 triệu lít bia, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh: Văn Miên
Về hoạt động thương mại, tình hình lưu thông hàng hóa diễn ra tương đối sôi động, nhiều chương trình khuyến mãi, đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức hội chợ…..của các doanh nghiệp đã kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 5.255 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 1,6% và tăng 12,4% so với bình quân cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 27,92 triệu USD, tăng 9,8%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nhân hạt điều, hải sản và các mặt hàng khác (dầu điều, sản phẩm từ đá Granite và thủ công mỹ nghệ). Thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu của tỉnh là Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước thuộc EU.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, đóng góp cho nền kinh tế trong tỉnh của ngành công nghiệp và thương mại-dịch vụ 6 tháng đầu năm không cao, biểu hiện qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh đạt thấp (công nghiệp 29%, thương mại 46,27%). Do khó khăn chung của nền kinh tế nên đã tác động làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng cơ cấu cao như: xi-măng, nhân hạt điều, tinh bột mì, gạch nung… giảm mạnh so với cùng kỳ. Sức mua trong dân giảm, lãi suất vay ngân hàng đã giảm nhưng khó tiếp cận, trong khi đó doanh nghiệp chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài như: giá nguyên liệu “đầu vào” biến động, thị trường tiêu thụ khó khăn do thắt chặt đầu tư và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên
Để hoàn thành kế hoạch năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của ngành Công Thương là tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Đồng chí Phạm Đăng Thành, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có nhiều dự án công nghiệp được triển khai, tuy nhiên tiến độ thực hiện chậm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chung của ngành. Trước thực tế này, với nhiệm vụ là cơ quan quản lý, Sở Công Thương tiếp tục theo dõi nắm bắt kịp thời khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư để đề xuất UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động, tạo thêm giá trị gia tăng mới. Bên cạnh đó khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng và phát triển hệ thống phân phối tiêu thụ hàng hóa, đưa hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng trong tỉnh.
Theo dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành công nghiệp tỉnh ta sẽ có thêm một sản phẩm mới đó là: Bia Sài Gòn-Ninh Thuận, điện hạ Sông Pha 1, khăn bông, bao bì, gạch không nung… Với những sản phẩm trên được sản xuất, cùng với những sản phẩm truyền thống sẽ thực sự tạo sức bật mới cho ngành công nghiệp tỉnh nhà. Cùng với đó, ngành sẽ tăng cường công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, trong đó sẽ tổ chức tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm một Hội nghị Khuyến công 14 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên gắn với Hội chợ Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề trong tỉnh tham gia các đợt hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh, qua đó nhằm quảng bá các sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống trong tỉnh, thúc đẩy liên doanh, liên kết của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại 6 huyện trong tỉnh. Đây là cơ hội để người dân nông thôn, miền núi tiếp cận với hàng sản xuất trong nước chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu. Bên cạnh đó, ngành tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh; chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận năm 2014.
Với những giải pháp trên, từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 6.135 tỷ đồng, xuất khẩu ước đạt 40 triệu USD.
Đặng Hữu