Ông Lê Doãn Phác trao đổi với báo chí tại buổi tập huấn. Ảnh: BL.
Theo đó, với Dự án Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1, đến nay tư vấn là nhà thầu liên danh JSC “E4 Group” (Liên bang Nga), JSC KIEP (Ukraine) – EPT LLC (Liên bang Nga) đã hoàn thành báo cáo giai đoạn 1 về lựa chọn địa điểm và đang triển khai khảo sát giai đoạn 2. Cuối năm 2013, tư vấn sẽ hoàn thành và giao nộp Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo Dự án đầu tư (Báo cáo khả thi).
Còn Dự án NMĐHN Ninh Thuận 2, hiện tư vấn là Công ty JAPC (Nhật Bản) đã hoàn thành và giao nộp Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo Dự án đầu tư (Báo cáo khả thi). Các dự án thành phần khác đang ở giai đoạn khảo sát, lập báo cáo Dự án đầu tư, thiết kế.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Lê Doãn Phác, từ nay đến khi khởi công xây dựng NMĐHN, các công việc chính cần phải tiến hành còn rất nhiều như: Lập Dự án đầu tư và Hồ sơ phê duyệt địa điểm; khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; phê duyệt thiết kế kỹ thuật; đào hố móng; cấp phép xây dựng…
Ông Phác cũng cho biết, Chiến lược phát triển năng lượng đến 2050 Chính sách năng lượng của Việt Nam gồm: Việc khai thác, sử dụng hài hòa tất cả các nguồn năng lượng sẵn có trong nước; thực hiện tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; nhập khẩu năng lượng ở mức độ hợp lý; nghiên cứu phát triển điện hạt nhân…
Để thực hiện chiến lược trên, cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý - một trong những yêu cầu cấp bách và là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay cho việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực cho quản lý, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và cập nhật các kiến thức của các nước trên thế giới. Lựa chọn công nghệ, lựa chọn đối tác, tìm ra phương án thu xếp tài chính và hợp đồng phù hợp cho dự án xây dựng NMĐHN tại Việt Nam.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam