Trái đất từng có hai mặt trăng

GS Erik Asphaug thuộc ĐH California (Mỹ) nêu giả thuyết rằng còn có một mặt trăng nữa nhỏ hơn từng tồn tại trong khoảng vài triệu năm và mất đi do va chạm với mặt trăng hiện nay.

Theo giả thuyết GS Asphaug dự kiến báo cáo tại một hội nghị khoa học ở Anh vào tháng 9 tới đây, bề mặt có núi non của mặt trăng hiện nay là do sự va chạm giữa hai vật thể song sinh này với nhau. Mặt trăng nhỏ có kích thước bằng khoảng 1/30 mặt trăng hiện tại.

Ông Asphaug tiết lộ với tờ The Sunday Times: “Mặt trăng thứ nhì chỉ tồn tại vài triệu năm, sau đó nó va chạm với mặt trăng hiện tại và chỉ còn lại một. Chúng quay quanh trái đất với cùng tốc độ cũng như khoảng cách và từ từ bị hút vào nhau đến khi va chạm và chỉ còn lại một”. 

 
Ảnh minh họa từ The Telegraph

Giới khoa học cho rằng trái đất và mặt trăng được hình thành trong khoảng từ 30 triệu đến 130 triệu năm sau khi thái dương hệ hình thành - cách nay khoảng 4,6 tỉ năm.

Hồi năm ngoái, một nhóm nhà khoa học thuộc ĐH Harvard (Mỹ) nêu giả thyết được công bố trên tạp chí Nature cho rằng mặt trăng là một phần của trái đất bị tách ra do sự va chạm với một thiên thể khác.

Nguồn nld.com.vn