Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế

(NTO) Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển, trong 6 tháng đầu năm, ngoài việc triển khai, kiểm tra, theo dõi chặt chẽ 46 đề tài, dự án chuyển tiếp từ các năm trước sang, Sở Khoa học và Công nghệ còn ký kết hợp đồng 6 đề tài, tổ chức nghiệm thu 7 đề tài và chuyển giao 22 đề tài cho 10 cơ quan, đơn vị trong tỉnh để khai thác, sử dụng trong thực tiễn công tác.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Các đề tài, dự án khoa học mới mà Sở đã chuyển giao cho nông dân và các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh thời gian qua đều tập trung vào việc nghiên cứu, lựa chọn những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội trong tỉnh. Trong đó, đáng lưu ý là các mô hình: Nuôi dông trên cát; quy trình thâm canh giống nho mới NH01-152 theo hướng ViệtGAP; mô hình “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh lúa nước; ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ... đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt.

Cán bộ Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở KH&CN)
kiểm tra quy trình phát triển của nấm. Ảnh: Thanh Long

Thời gian qua, Sở KH&CN luôn quan tâm mở các lớp tập huấn để chuyển giao, nhân rộng các đề tài nghiên cứu khoa học cho hàng trăm lượt đối tượng là nông dân, cán bộ khuyến nông cơ sở nắm bắt, ứng dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, kỹ năng sản xuất, đánh bắt hải sản và chăn nuôi của người dân đã được nâng lên, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng miền núi, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế. Từ năm 2010, Sở KH&CN phối hợp với Trường Đại học Nha Trang triển khai đề tài nghiên cứu cải tiến 4 kiểu lồng bẫy đánh bắt hải sản để chuyển giao cho bà con các xã ven biển thì việc khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ngoài các hoạt động kể trên, trong 6 tháng qua, Sở KH&CN còn phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng đề cương và dự toán Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020. Đặc biệt là đã phối hợp với Sở KH&CN Lâm Đồng đề xuất đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chọn tạo bò lai F2 giữa bò tót (Bos gaurus X Bos taurus) và bò thịt Brahman (Bos indicus) làm giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng đề kháng bệnh của bò thịt tại vùng rừng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng”. Cùng với đó, Sở còn tổ chức nghiệm thu 4 dự án cấp huyện, qua đó đã cấp 1 giấy chứng nhận kết quả KH&CN cho dự án “Xây dựng dựng mô hình trồng mãng cầu theo hướng VietGAP” tại xã An Hải (Ninh Phước). Hướng dẫn 2 tổ chức, 2 doanh nghiệp về đăng ký doanh nghiệp KH&CN, trong đó đã cấp phép cho 1 tổ chức KH&CN là Công ty TNHH Nghiên cứu phát triển thực nghiệm khoa học và kỹ thuật Ninh Thuận. Phối hợp Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức hội nghị tập huấn về phát triển doanh nghiệp KH&CN. Kết quả có 7 doanh nghiệp xin hỗ trợ đăng ký vào danh mục doanh nghiệp KH&CN tiềm năng...

Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, thời gian tới ngoài việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 175-CTr/TU ngày 11-3-2013 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Ban hành Quyết định về việc triển khai thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, các nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ cho huyện Bác Ái, Sở KH&CN sẽ tiến hành các thủ tục thẩm định và phê duyệt đề cương, dự toán Quy hoạch Phát triển KH&CN tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020. Tổ chức các phiên họp Hội đồng khoa học tư vấn xác định danh mục đề tài, dự án được đầu tư thực hiện bằng ngân sách sự nghiệp KH&CN của tỉnh giai đoạn 2013-2014. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp huyện thực hiện mới đợt 1 năm 2013-2014. Cùng với đó, ngành sẽ hoàn thiện thủ tục, ký kết hợp đồng triển khai thêm 9 dự án mới sau khi xét duyệt. Vận động, tuyên truyền cho các doanh nghiệp tham gia dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020. Hỗ trợ, đăng ký xây dựng thương hiệu cho các nhãn hiệu tập thể thuộc các sản phẩm đặc thù của tỉnh như nước mắm Cà Ná, Neem... để nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra, tạo sức cạnh tranh mạnh trên thị trường, góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.