Ninh Thuận: Hội thảo quản lý môi trường từ giai đoạn xây dựng đến vận hành nhà máy điện hạt nhân

(NTO) Ngày 1-7, Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận phối hợp với Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản (JEPIC) thuộc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (ICC) tổ chức hội thảo quản lý môi trường từ giai đoạn xây dựng đến vận hành nhà máy điện hạt nhân. Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.

 

Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan sa bàn nhà máy điện hạt nhân.

Tiếp tục chương trình "Huấn luyện quốc tế về quản lý an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân", JEPIC đã cử đoàn chuyên gia Nhật Bản sang Ninh Thuận để thực hiện hội thảo quản lý môi trường từ giai đoạn xây dựng đến vận hành nhà máy. Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề chính: Đánh giá tác động môi trường và quản lý môi trường (bức xạ và phi bức xạ) trong xây dựng và vận hành, quan trắc phóng xạ môi trường và văn hóa an toàn. Theo các chuyên gia JEPIC, trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân, phóng xạ và bức xạ ion hóa là các hiện tượng tự nhiên và là đặc tính của môi trường. Các vật liệu phóng xạ tự nhiên và nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong ngành y tế, công nghiệp, nông nghiệp và nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện năng. Các chất thải dạng rắn, khí, lỏng có tính bức xạ và phi bức xạ phát sinh trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần phải được kiểm soát chặt chẽ và quản lý một cách an toàn, nhằm đảm bảo cho công chúng và môi trường được bảo vệ một cách bền vững từ những tác động có hại của bức xạ ion hóa. Để kiểm soát tốt vấn đề này cần xây dựng một báo cáo đánh giá tác động môi trường thật đầy đủ, toàn diện, đồng thời đưa ra các biện pháp để bảo vệ hợp lý.

Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn chuyên gia Nhật Bản (JEPIC) 
và các học viên.

Những băn khoăn của người dân vùng dự án về vấn đề môi trường, quản lý môi trường đã được các chuyên gia của JEPIC và các chuyên gia của Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) giải thích và thông tin một cách toàn diện từ giai đoạn thiết kế, xây dựng đến việc đưa nhà máy vào vận hành một cách an toàn. Các đại biểu đã được nghe các chuyên gia JEPIC trình bày ngắn gọn về tình hình sản xuất điện hiện nay của Nhật Bản, các vấn đề về môi trường, quản lý bức xạ môi trường, nước xả nhiệt... của nhà máy điện hạt nhân và các chính sách về phát triển năng lượng của Chính phủ Nhật Bản. Với kinh nghiệm của một nước có đến 50 nhà máy điện hạt nhân, chỉ xếp sau Mỹ và Pháp, Nhật Bản luôn sẵn sàng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với Việt Nam về vấn đề quan trọng này. Hội thảo sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 1 đến ngày 4-7.