Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

(NTO) Trong những năm qua, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, ngành Y tế tỉnh đã tích cực đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trên lĩnh vực khám bệnh, điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từ các nguồn lực huy động được, ngành đã đầu tư xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh; trang bị máy móc, thiết bị y tế hiện đại cho các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện; tiếp nhận và chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đi đầu trong xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với chủ trương hợp tác, liên kết với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài ngành, Bệnh viện đã huy động được hàng chục tỷ đồng mua sắm, lắp đặt nhiều trang-thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính, hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng-tiết niệu, máy siêu âm màu 4D, điện não đồ vi tính, monitor theo dõi sản khoa, máy chạy thận nhân tạo, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy đo mật độ xương bằng siêu âm… đã góp phần nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

 
Từ nguồn huy động xã hội hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lắp đặt máy tán sỏi ngoài cơ thể,
điều trị sỏi thận-tiết niệu cho bệnh nhân.

Cùng đó, Bệnh viện còn chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho y-bác sỹ tại bệnh viện và ở tuyến dưới. Chính vì vậy, đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng phức tạp, giúp cho người bệnh được thụ hưởng những kỹ thuật cao, dịch vụ y tế chất lượng ở nơi gần nhất, không phải chuyển lên tuyến trên, tiết kiệm được tiền của và công sức của nhân dân. Với cơ sở vật chất khang trang, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện khám và điều trị 500-600 lượt bệnh nhân.

Song song với lĩnh vực khám, chữa bệnh, ngành Y tế còn chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa các chương trình như chăm sóc mắt, sức khỏe sinh sản, phẫu thuật miễn phí dị tật bẩm sinh cho bệnh nhân nghèo, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo miền núi, vùng khó khăn… Các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng có nhiều đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là hoạt động của các nhóm truyền thông của Hội phụ nữ, Nông dân đã phát huy hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức quốc tế (UNFPA, UNICEF) xây dựng nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng như mô hình cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số, mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng đồng tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; Câu lạc bộ SKSS/KHHGĐ giúp phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng; thành lập các nhóm truyền thông lồng ghép tư vấn, thay đổi hành vi, nhận thức của người dân chủ động bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh…

Đạt được những kết quả khả quan trong xã hội hóa công tác y tế đã giúp tỉnh ta nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ y tế làm chủ các thiết bị và kỹ thuật tiên tiến đáp ứng nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Thực hiện tốt xã hội hoá cũng góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, y-bác sỹ ngành Y, giúp họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận: Trong tình hình khó khăn chung về tài chính thì việc tăng cường khuyến khích các tổ chức, nhà tài trợ đầu tư kinh phí có tác động tích cực đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhất là thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào y tế miền núi có ý nghĩa quan trọng. Đẩy mạnh xã hội hoá y tế còn là giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện hiện nay; đồng thời nâng cao nghiệp vụ cho y-bác sỹ, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân địa phương. Một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là các cấp, các ngành cùng với ngành Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để người dân hiểu rõ về vấn đề xã hội hoá không chỉ trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Mỗi người dân cần tự xã hội hoá trong lĩnh vực phòng tránh dịch bệnh ngay từ ban đầu, làm vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống, chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Có như vậy, công tác xã hội hoá mới đạt được kết quả cao nhất.