Đàm phán TTIP: Lợi ích và cam kết đối với tự do hóa thương mại toàn cầu

Tạm gác sang một bên những sự nghi kỵ xung quanh vụ bê bối do thám tình báo, giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), được kỳ vọng có thể mang lại những lợi ích to lớn cho hai nền kinh tế đang chật vật trong giai đoạn hậu “bão” tài chính này.

Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU được đánh giá là lớn nhất thế giới và cũng là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất. Nền kinh tế hai bên hiện chiếm gần 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Theo các số liệu thống kê chính thức, năm ngoái, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và EU đạt gần 1.000 tỷ USD và tổng đầu tư lên tới 3.700 tỷ USD. Trong khi đó, Trung tâm châu Âu ước tính nếu thành công và chính thức có hiệu lực, TTIP có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ ơrô (tương đương 150 tỷ USD) mỗi năm và mang lại cho nền kinh tế Mỹ 95 tỷ ơrô mỗi năm.

Không quá khó để lý giải lý do Mỹ và các đối tác châu Âu thúc đẩy TTIP. Đây được coi là một công cụ quan trọng để tạo đà tăng trưởng cho hai nền kinh tế và củng cố hệ thống thương mại đa phương xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh châu Âu bị cuốn vào vòng xoáy nợ công do các “mắt xích yếu” thuộc Khu vực Đồng euro (Eurozone), trong khi Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới- vẫn phục hồi khá mong manh sau “bão” tài chính.

Với Mỹ, các hiệp định tự do thương mại nói chung và TTIP nói riêng giúp nước này đạt mục tiêu tới năm 2014 tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo thêm nhiều việc làm trong nước, đã được nêu ra trong Sáng kiến Xuất khẩu quốc gia. Giới phân tích nhận định thúc đẩy thương mại quốc tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ thứ hai này. Thực tế, chính sách này phản ánh lối tư duy thực dụng của các nhà lãnh đạo Mỹ trong bối cảnh các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng chậm chạp như hiện nay cho tới ít nhất năm 2014, trong khi các nhà hoạch định chính sách nước này đang phải chật vật đối phó với các vấn đề về ngân sách và trần nợ công. Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ở mức vừa phải 2,4% và 3% lần lượt trong các năm 2013 và 2014.

Còn với châu Âu, lý do cũng không nằm ngoài các lợi ích kinh tế. Trong báo cáo mới nhất công bố cuối tháng Năm vừa qua, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài ở châu Âu và tiếp tục đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. OECD một lần nữa cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của 17 nền kinh tế thuộc Eurozone, theo đó mức tăng trưởng trong năm nay sẽ giảm 0,6%, sau khi giảm 0,5% trong năm 2012. Trong bản báo cáo 6 tháng trước, tổ chức này đã dự đoán Eurozone chỉ giảm 0,1% và cùng thời điểm này năm ngoái, OECD dự đoán mức tăng trưởng năm 2013 của cả châu Âu là gần 1%.

Theo OECD, châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như khu vực ngân hàng vẫn còn yếu kém, tình hình nợ công chưa thực sự được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục 12,1% và sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt tại Tây Ban Nha và Hy Lạp thì số người không có việc làm lần lượt lên tới 28% và 28,4% trong năm nay, trong đó giới trẻ chiếm hơn 50%. Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", niềm tin suy giảm và điều kiện tín dụng thắt chặt là những nguyên nhân chính khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone sụt giảm mạnh hơn.

Với xuất phát điểm như vậy và các lợi ích đã rõ ràng, việc Mỹ và EU khởi động TTIP là không cần bàn cãi. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều đánh giá tích cực về hiệp định này cũng như những tác động của nó đối với hệ thống thương mại toàn cầu nói chung. Theo họ, Washington (Oa-sinh-tơn) và Brussels (Brúc-xen) đang thực hiện những cam kết của mình đối với tự do thương mại.

Song, không phải là không có những quan ngại khi đặt trong tương quan so sánh với vòng đàm phán tự do thương mại Doha (Đô-ha) do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khởi xướng từ hơn một thập kỷ trước đang bế tắc hiện nay. Thêm vào đó, những cáo buộc mới liên quan tới chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng phần nào ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương và phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán TTIP. Trước khi khởi động đàm phán, nhiều ý kiến tại Brussels cho rằng cần phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ bê bối này đối với đàm phán thương mại, bởi không thể tránh được những tranh cãi tại Nghị viện châu Âu và quan hệ song phương Mỹ-EU chắc chắn sẽ bị phương hại. Chặng đường phía trước của tiến trình đàm phán này chắc chắn sẽ không bằng phẳng.

Quan ngại thì là vậy, nhưng các lợi ích kinh tế mười mươi là không thể phủ nhận và như cách nói của Tổng thống Obama, các nền kinh tế hai bờ Đại Tây Dương đang “đứng trước những cơ hội thực sự để cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường, tạo thêm nhiều việc làm và làm cho các nền kinh tế của mình trở nên cạnh tranh hơn.” Đây cũng là cơ hội để hai đối tác thương mại hàng thế giới này khẳng định cam kết của mình đối với tự do hóa thương mại toàn cầu.

Theo TTXVN