Hai tỉ năm tới, vi khuẩn sẽ thống lĩnh Trái Đất

Hai tỉ năm tới, Mặt Trời sẽ trở nên nóng bỏng hơn và "nấu chín" Trái Đất, sự sống cuối cùng còn sót lại là các vi khuẩn bị giam hãm trong các lạch nước ở núi và hang động.

Kịch bản u ám này do nhà sinh học vũ trụ Giắc ÔMalây-Giêm (Jack O''Malley-James) thuộc Đại học St Andrews ở Eđinbớt (Edinburgh, Anh) đưa ra trong một nghiên cứu mới đây. Tại cuộc họp thường niên của Hội Thiên văn Hoàng gia Anh (RAS), Giắc ÔMalây-Giêm đã mô phỏng bằng máy tính cho thấy trong một tỉ năm tới, Mặt Trời sẽ chói chang hơn, thiêu đốt bề mặt Trái Đất.

Lúc này, hiện tượng bốc hơi tăng lên và các phản ứng hóa học với nước mưa sẽ làm giảm đáng kể lượng cácbon điôxít (CO2) trong không khí. Từ đó, cây cối sẽ thiếu CO2 cho quá trình quang hợp và chết dần, hậu quả tiếp theo là các loài động vật cũng không thể duy trì sự sống. Một tỉ năm tiếp sau đó, các đại dương cũng sẽ cạn khô hoàn toàn, chỉ còn lại sự sống của các vi sinh vật có khả năng đối phó với cường độ bức xạ tia cực tím và sóng nhiệt từ Mặt Trời.

Điều này đồng nghĩa vi khuẩn sẽ là loài duy nhất "kế thừa" Trái Đất. Theo ÔMalây-Giêm, Trái Đất trong tương lai xa sẽ trở nên "thù địch" với sự sống. Nhà khoa học này cho rằng tất cả sinh vật sống đều cần nước ở dạng lỏng, nên bất kỳ sự sống nào còn lại sẽ chỉ tồn tại trong các túi nước dạng lỏng, có thể nằm ở những vị trí cao hơn so với mực nước biển, hoặc ở trong các hang động và dưới lòng đất. Cũng theo sự mô phỏng của ÔMalây-Giêm, 2,8 tỉ năm nữa, ngay cả những sinh vật khỏe mạnh nhất còn sống sót cũng sẽ tuyệt chủng. Khi một hành tinh chết đi, nó sẽ có một bầu không khí nitơ nơi mà chỉ còn những dấu vết khí mêtan của những vi khuẩn còn sót lại.

Viễn cảnh đáng sợ này có thể khiến loài người càng thêm quyết tâm trong việc tìm kiếm những hành tinh có sự sống tương tự Trái Đất trong hệ Mặt Trời khác.

Theo TTXVN