Với diện tích tự nhiên 3.388 ha, Phước Nam gồm có 7 thôn là: Văn Lâm 1,2,3,4; Nho Lâm, Phước Lập và Tam Lang. Trong tổng dân số gồm 2.475 hộ (gần 13.000 khẩu) ở Phước Nam, chỉ kể riêng đồng bào Chăm theo đạo Hồi đã chiếm tỷ lệ 87,7%, bao gồm đa số là hộ người Chăm Bà-ni và trên 280 hộ người Chăm Ixlam. Trong những ngày này, người Chăm Bà-ni và Chăm Ixlam ở đây đang nô nức chuẩn bị đón Lễ hội Ramưwan, đi trong các thôn Văn Lâm, chúng tôi có thể bắt gặp niềm vui hiện rõ trên gương mặt từng người. Chị Châu Thùy Mai Ry, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam cho biết: “Nhân dân trong xã đang tập trung sản xuất vụ hè thu muộn, tuy sản xuất nông nghiệp không thuận lợi như những năm trước nhưng gần đây nhờ có mưa nên một số cây trồng được chăm sóc tốt hơn. Điều đáng nói là các hộ gia đình đều vun vén lo cho Lễ hội Ramưwan tươm tất”. Những năm qua, khắc phục điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt, người dân Phước Nam đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhất là phát triển chăn nuôi gia súc có sừng. Hiện nay dù còn những khó khăn nhất định song bộ mặt đời sống của 4 làng Chăm Văn Lâm nói riêng và toàn xã nói chung đang đổi mới thấy rõ.
Nông dân làng Chăm Văn Lâm 2 cày đất chuẩn bị gieo trồng vụ hè thu
Về Phước Nam bao giờ cũng vậy, điều làm chúng tôi chú ý nhất vẫn là công tác xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Để giúp vốn cho các hộ dân, qua uỷ thác của Ngân hàng, các đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, Thanh niên, Cựu chiến binh xã đã thành lập tổng cộng 34 tổ vay vốn với dư nợ tính từ năm 2003 đến nay là hơn 26 tỷ đồng, với khoảng 1.556 hộ vay. Nguồn vốn vay được các hộ nghèo đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, trong đó đặc biệt là đầu tư nuôi bò vỗ béo, sinh sản đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Hiệu quả xoá đói, giảm nghèo nhờ chăn nuôi bò thể hiện rõ ở 4 thôn Văn Lâm và Phước Lập. Trong rất nhiều tấm gương vươn lên, ấn tượng nhất là trường hợp bà Thị Giữa ở thôn Phước Lập, một mình nuôi 1 người con gái và 3 cháu ngoại, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng nhờ vay vốn nuôi bò, chỉ sau 3 năm bà đã trả gần dứt nợ Ngân hàng và có được đàn bò 6 con, cơ bản thoát được nghèo. Hiện nay, không chỉ có đàn bò gần 5.500 con, người dân Phước Nam còn phát triển nuôi dê cừu với tổng đàn trên 18.000 con, trong đó có một số mô hình nuôi vỗ béo dê cừu rất thành công.
Nhờ vay vốn đầu tư chăn nuôi, nhiều hộ dân Phước Nam thoát được nghèo và vươn lên làm giàu
Một kênh giải quyết việc làm khác cũng đang được Phước Nam khuyến khích mở rộng, đó là đi làm việc ngoại tỉnh. Từ nhiều năm qua, mỗi năm có khoảng trên 400 lao động Phước Nam được tuyển vào làm việc ở Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, trong đó có 80% là những thanh niên Chăm ở các thôn Văn Lâm; riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có 346 lao động lên đường làm việc. Đây được coi là lối ra cho công tác giải quyết việc làm ở địa phương, các lao động này đã gởi tiền thu nhập về giúp đỡ gia đình, góp phần vào việc làm thay đổi bộ mặt xóm thôn. Anh Phú Minh Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Phước Lập chia sẻ: “Ngay trong thôn chúng tôi cũng vậy, thanh niên lớn lên đều đi làm xa giúp đỡ gia đình, chính kênh tuyển lao động này đã tạo ra nguồn lực xã hội quan trọng cho Phước Lập”. Nhìn chung, trong những năm qua, người dân trong các thôn của Phước Nam, nhất là ở 4 thôn Văn Lâm đã có đời sống khá hơn trước, hầu hết đều xây cất nhà cửa khang trang và mua sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt gia đình. Theo khảo sát của UBND xã, nếu năm 2012 có 258 hộ nghèo thì đến thời điểm này chỉ còn 219 hộ nghèo, giảm 39 hộ; tính trong 3 năm qua, trung bình hằng năm Phước Nam giảm gần 1,8% tỷ lệ hộ nghèo, đáng nói là tỷ lệ hộ khá giàu đã tăng từ hơn 10% lên trên 30%.
Phước Nam ngày nay đã mang bộ mặt nông thôn mới, qua phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, đã có thôn Văn Lâm 2 và Văn Lâm 4 được công nhận đạt chuẩn làng văn hoá, riêng thôn Văn Lâm 1 đang trong quá trình thẩm định. Theo chị Châu Thuỳ Mai Ry, từ việc giữ gìn môi trường văn hoá lành mạnh, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, mùa Ramưwan năm nay sẽ diễn ra các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao sôi động, hoàn toàn do nam nữ thanh niên 4 thôn Văn Lâm dàn dựng, tham gia. Từ những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội, có cơ sở để tin rằng qua Lễ hội Ramưwan này, người dân sẽ có niềm phấn khởi mới, cùng dốc sức vào xây dựng nông thôn mới Phước Nam giàu, đẹp.
Bạch Thương