Chuyện cây bắp lai ở xã Phước Vinh

(NTO) Cũng như các địa bàn nông thôn khác, hầu hết người dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) cũng “một nắng hai sương” trên mảnh đất kém phì nhiêu ở xứ nắng Ninh Thuận. Thế nên, ít ai nghĩ nghiệp nông ở vùng đất này lại có thể khởi sắc, đặc biệt là từ cây bắp lai, một loại cây lương thực không quá nổi trội tại địa phương.

 Những năm gần đây, đến hai thôn Phước An 1 và Phước An 2, hình ảnh những ruộng bắp lai thẳng hàng xanh rì đầy sức sống đã không còn trở nên xa lạ. Từ chỗ sản xuất manh mún, không theo thời vụ, đầu ra và giá cả bấp bênh, đến nay, người trồng bắp lai ở đây đã biết đến liên kết "4 nhà", đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp đi vào ổn định. Đồng chí Nguyễn Mông, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết: Vụ đông – xuân 2013, toàn xã có 480 ha bắp lai, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2012 (185 ha). Trong đó, có 342 ha là bắp lai giống, nông dân hợp đồng với Công ty Cổ phần CP và Trung tâm giống cây trồng Nha Hố. Sau thu hoạch, phía doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm, với giá dao động từ 8.300 – 8.600 đồng/kg (cân nguyên trái), so với giá bắp thương phẩm chỉ 6.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, ước tính nông dân lãi ròng trên dưới 30 triệu đồng/ha/vụ 3 tháng rưỡi.

 
HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước An đầu tư bàn cân điện tử 40 tấn phục vụ việc mua bán nông sản trên địa bàn.

Không dừng lại ở đó, lãnh đạo địa phương còn tìm hiểu, kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thân cây bắp. Sau khoảng thời gian khảo sát đặc điểm đất đai, tập quán sản xuất, xác định hai xã Phước Vinh và Phước Sơn thích hợp phát triển vùng nguyên liệu thân cây bắp, Công ty TNHH TM Minh Trí đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc từ thân cây bắp tại thôn Phước An 1, đi vào hoạt động từ đầu tháng 6-2013. Với công xuất 50 tấn/ngày, tương đương với việc xử lý 1 ha bắp cây, Công ty thu mua cây bắp có độ tuổi từ 75 – 85 ngày, ở giai đoạn bắt đầu làm hạt, với giá 800 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, nếu xét nhiều khía cạnh, trồng cây bắp lấy thân có phần lợi hơn vì vừa nhẹ công chăm sóc, dễ làm, nhanh thu hồi vốn.

Với tính ổn định tương đối về thời tiết và năng suất vượt trội, vụ đông – xuân là vụ duy nhất được chọn trồng bắp lai giống, các vụ còn lại trong năm bà con nông dân trồng bắp thương phẩm. Nay, việc trồng bắp lấy thân rút ngắn thời gian canh tác, nên sẽ tăng vụ, luân canh liên tục. Được biết, phía doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư công nghệ chế biến cả cây bắp phế phẩm sau thu hoạch trái để sản xuất phân bón vi sinh, cải tạo đất và tăng thu nhập cho nông dân.

Trong câu chuyện về cây bắp lai ở Phước Vinh, không thể không nhắc đến vai trò của Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước An (HTX). Đây không chỉ là đơn vị đại diện cho người dân, đứng ra bảo vệ quyền lợi của xã viên mà còn là cầu nối năng động giữa nông dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Phúc Hoa, chủ nhiệm HTX cho biết: Hiện tại, 1.095 xã viên của HTX thuộc 2 thôn Phước An 1 và 2 đều tham gia mô hình trồng bắp lai giống cho các doanh nghiệp. HTX đứng ra tổ chức điều phối, đại diện quyền lợi, trách nhiệm của nhân dân, quản lý hợp đồng và giám sát hoạt động sản xuất theo hợp đồng. Để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, buôn bán nông sản của bà con, HTX đã mạnh dạn đầu tư 343 triệu đồng mua bàn cân điện tử 40 tấn. Với mỗi lượt cân nông sản, HTX sẽ thu phí của doanh nghiệp với mức từ 5 đồng/kg. Để đảm bảo quyền lợi cho bà con xã viên, HTX đã làm hợp đồng rất kỹ càng với các doanh nghiệp, trong đó quy định rõ về cơ chế sản xuất, thời gian thu mua nông sản, thời gian thanh toán tiền cho nông dân… Nhờ vậy, HTX nhận được sự tin tưởng của bà con nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Nhớ lại những ngày đầu nhận trồng bắp lai giống vào năm 2005, ông Hoa kể: “Việc trồng bắp lai giống khó hơn bắp lai thương phẩm nhiều lắm. Phải trồng xen kẽ 1 hàng bắp đực, 4 hàng bắp cái nên nông dân rất lo lắng mỗi khi thời tiết thay đổi, sợ bắp không có hạt, bị sâu bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng giống. Sau gần chục năm sản xuất bắp lai giống, bà con ở đây đã “quen tay”, nhiều kinh nghiệm và tự tin mở rộng diện tích.”

Trước tình hình tổng diện tích cây lương thực này tăng nhanh trên địa bàn thời gian qua và lợi ích kinh tế mà nó mang lại, chính quyền địa phương đã đưa cây bắp lai vào các cây trồng chủ lực trong quy hoạch xây dựng mông thôn mới, sắp tới cũng sẽ quy hoạch chi tiết khu vực sản xuất cho cây bắp lai. Trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới, việc đưa hoạt động sản xuất đi vào ổn định, theo đúng quy hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế như câu chuyện về cây bắp lai ở Phước Vinh là một điểm sáng, làm nền tảng vững chắc xây dựng các tiêu chí khác về kinh tế, xã hội.