Để đến được Tà Nôi, phải khiêng xe qua 5 lần suối.
Thôn Tà Nôi có 360 ha đất canh tác, trong đó có 40 ha đất lúa, còn lại đất sản xuất hoa màu; với 129 hộ/610 nhân khẩu là người đồng bào Raglai, hộ nghèo chiếm trên 50%. Đến Tà Nôi vào một ngày cuối tháng 6, vì nước suối chảy xiết dâng cao gần 0,7 m, chúng tôi phải nhờ người khiêng xe qua 5 lần suối mới đến được trụ sở thôn. Chỉ có về Tà Nôi vào những ngày này, mới thấu hiểu được nỗi khổ khi người dân đang sống trong tình cảnh bị cắt đường giao thông do nước lớn và không có sóng điện thoại. Chia sẻ những khó khăn trong mùa nước lớn, già làng Kator Qua, bộc bạch: Kể từ tháng 5 đến tháng Chạp, mưa lớn phía Đức Trọng, nước dồn về suối Tà Nôi, dân làng phải đối mặt với những khó khăn do bị cô lập. Đến mùa nước lớn, nhiều cháu học ở trường xã phải ở nhà vì không thể qua suối để tới trường; giữa đêm nếu có người bị ốm phải khiêng 5 con suối, đi gần 8 cây số mới tới được Trạm y tế xã. Mấy năm nay, lãnh đạo huyện, tỉnh quan tâm về thăm Tà Nôi, dân làng trực tiếp xin lãnh đạo cây cầu nhưng đều được trả lời là “ngoài khả năng”. Hơn 30 năm nay, dân làng mong mỏi có được cây cầu, nhưng đó chỉ là mơ ước.
Anh Cà Mau Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết, do đường sá xa xôi cách trở, không có cầu để người dân vận chuyển hàng hóa qua suối nên hàng trăm tấn bắp, đậu xanh, hạt điều… sau mùa thu hoạch chỉ bán được một nữa so với giá chợ phiên ngày 24 ở xã. Thôn có 50 ha chuối các loại nhưng chỉ để cho bò, heo ăn chứ không bán được. “Thôn Tà Nôi hiện có 4 người làm cán bộ xã nhưng phải “đóng chốt” tại UBND xã, thứ 7, chủ nhật mới về nhà thăm vợ con. Nếu không có điều kiện xây được cây cầu kiên cố thì có thể làm cầu tạm để giúp dân đi lại thuận lợi, vận chuyển nông sản hàng hóa ra trung tâm xã”, anh Cà Mau Viên bày tỏ ước mong.
Thanh Quang