"Thà muộn còn hơn không !"

(NTO) Tin đồn thất thiệt: Cơ sở bán bún riêu Đoàn Thị Điểm (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) sử dụng riêu do Trung Quốc sản xuất... đã làm cho cơ sở phải điêu đứng vì lượng thực khách hàng ngày giảm hẳn bởi sự “cả tin” vào tin đồn này. “Sự kiện” nói trên đã gióng lên “hồi chuông” báo động về kiểu cạnh tranh không lành mạnh đang ngày càng lan rộng trên thương trường hay nói khác hơn là thiếu đạo đức trong kinh doanh.

>> Cơ sở Bún riêu Đoàn Thị Điểm có sử dụng riêu do Trung Quốc sản xuất ?

Một trong những biểu hiện dễ nhận ra đó là thay vì tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo lập niềm tin đối với khách hàng thì ngược lại để “cạnh tranh” doanh nghiệp sử dụng “chiêu” hạ giá thành sản phẩm bằng hình thức sử dụng nguyên liệu kém chất lượng để sản xuất!

Sản phẩm vang nho sản xuất tại Trang trại nho Ba Mọi được thị trường tin dùng
Ảnh: Sơn Ngọc

Trên địa bàn tỉnh có doanh nghiệp quảng cáo rùm beng nhưng nếu đã có ai sử dụng thì khi nhắc đến thương hiệu này đều lắc đầu ngao ngán vì hàng… “dỏm”. Cũng có không ít cơ sở buôn bán chỉ vì lợi nhuận đã tráo hàng kém chất lượng với hàng chất lượng; đánh tráo thương hiệu hoặc giả thương hiệu… tạo thành “mê trận” để lừa khách hàng, nhất là những người mới đến mua sắm lần đầu hay ở nông thôn vốn thật thà, cả tin. Ngay đối với nhiều nông hộ cũng vậy. Vì lợi nhuận đã bất chấp việc sử dụng các chất độc hại để trừ sâu, kích thích tăng trưởng, bảo quản… rau, củ, quả để bán cho người tiêu dùng mà không nghĩ rằng vô tình đã đưa sản phẩm của mình vào “ngõ cụt” vì sự quay lưng của khách hàng. Ai cũng biết rằng: Bản chất của kinh doanh là mưu cầu lợi nhuận nhưng không vì vậy mà sử dụng bất kỳ thủ đoạn để tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, gây phương hại cho người khác thậm chí là cộng đồng.

Thực tế đã chứng minh: Doanh nghiệp chỉ có tồn tại bền vững, làm ăn phát đạt một khi khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thương trường thông qua chất lượng sản phẩm sản xuất hay kinh doanh. Mọi sự gian trá trước sau gì cũng phải bị trả giá bằng hành động tẩy chay của khách hàng. Do vậy, để tạo được đạo đức trong sản xuất, kinh doanh yêu cầu đặt ra là một mặt các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn đối với doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh. Đồng thời với đó là các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc xử lý nghiêm khắc các hành vi gian dối trong sản xuất, kinh doanh, cả trong cạnh tranh không lành mạnh như câu chuyện về cơ sở bán bún riêu Đoàn Thị Điểm…

“Căn nhà lợi nhuận” chỉ tạo dựng bền vững bằng bao công sức, tài năng của chính người sản xuất, kinh doanh chứ không thể đánh đổi bằng sự gian trá. Đã đến lúc cần lập lại trật tự trên thương trường bằng đạo đức kinh doanh thông qua lương tâm và pháp luật điều chỉnh. “Thà muộn còn hơn không!” như người xưa thường nhắc nhở.