Hiệu quả từ mô hình tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng ở Ninh Phước

(NTO) Mặc dù số tiền đóng góp của mỗi hội viên không nhiều, nhưng với sự tham gia đông đảo của chị em, nguồn vốn huy động được từ các Tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng trên địa bàn huyện Ninh Phước đã góp phần không nhỏ giúp chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.

Xây dựng mô hình Tổ góp vốn xoay vòng từ năm 1993, Chi hội Phụ nữ thôn Thành Tín, xã Phước Hải là đơn vị dẫn đầu trong việc duy trì, phát triển và mở rộng mô hình này. Đến nay, tất cả 1.005 hội viên của Chi hội tham gia 10 tổ góp vốn xoay vòng, với tổng số tiền lên tới trên 250 triệu đồng. Bà Kiều Thị Duyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn cho biết: Mỗi kỳ cho vay là 5 tháng, theo hình thức bốc thăm xoay vòng, các chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được ưu tiên trước, với số tiền phù hợp. Mỗi hội viên khi tham gia mô hình chỉ đóng 150.000 đồng, lãi suất vay là 2%/tháng. Số tiền lãi này, Chi hội dùng để thăm hỏi, động viên các hội viên đau ốm, hoạn nạn. Do số tiền cho vay mỗi kỳ chỉ từ 500.000 đồng/hội viên nên đa phần các chị em sử dụng để phát triển sản xuất nhỏ tại gia đình như chăn nuôi heo, gà, vịt,… hoặc đầu tư phân thuốc cho cây trồng. Tuy vậy, các chị rất tiết kiệm, siêng năng nên cũng dành dụm được chút ít, nhờ đó cải thiện được đời sống kinh tế gia đình.

 
100% Hội viên Chi Hội Phụ nữ thôn Thành Tín tham gia Tổ góp vốn xoay vòng.

Trường hợp chị Từ Thị Nông là một ví dụ điển hình. Từ chỗ kinh tế gia đình khó khăn, chị mạnh dạn tham gia Tổ vay vốn, đầu tư chăn nuôi nhỏ rồi dành dụm vốn mở tạp hóa, có thêm nguồn thu nhập ổn định cùng chồng nuôi dạy, chăm sóc con cái. Hiện cả 3 người con của chị đều đang đi học, trong đó có 2 em đang theo đọc đại học, cao đẳng ở TP.Hồ Chí Minh. Hay như chị Châu Thị Chén, vì “lỡ” sinh nhiều con nên gia đình chị vốn khó khăn lại càng thêm bấp bênh khi chỉ trông chờ vào đồng tiền làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng. Được Chi hội phụ nữ hướng dẫn, chị vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội mua bò, rồi tham gia Tổ góp vốn xoay vòng của Chi hội, mua gà vịt về nuôi. Nhờ cần cù, lại biết tiết kiệm, đến năm 2010, gia đình chị đã thoát nghèo và đã xây cất ngôi nhà kiên cố, khang trang, có điều kiện cho 6 người con đi học đầy đủ.

Nếu như năm 2006, toàn thôn Thành Tín có 50 gia đình do phụ nữ làm chủ hộ nằm trong diện hộ nghèo thì đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn 20 hộ. Thấy được hiệu quả của Tổ góp vốn xoay vòng trong đời sống, Hội Phụ nữ Ninh Phước triển khai nhân rộng mô hình ra các Chi hội phụ nữ trên địa bàn, vận động chị em hội viên tham gia. Đến nay, toàn huyện có 9/9 xã, thị trấn có mô hình, với tổng số vốn trên 560 triệu đồng, giải quyết cho vay hàng ngàn lượt chị em phụ nữ mỗi năm. Chị Võ Thị Dân, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Phước Dân cho biết: Tất cả 15 khu phố trên địa bàn thị trấn đều đã có tổ góp vốn xoay vòng của Chi hội phụ nữ, hoạt động dưới 2 hình thức chính: Qũy tình thương với số vốn cho vay 500.000 đồng/hội viên/kỳ 3 tháng, lãi vay 1% và Tổ góp vốn cho vay từ 1 đến 2 triệu đồng/hội viên/kỳ. Tùy điều kiện của mỗi hội viên mà lựa chọn hình thức tham gia phù hợp vì số tiền đóng góp của 2 mô hình có sự chênh lệch nhau.

Chị Dân cũng cho biết thêm, bên cạnh Tổ góp vốn xoay vòng, các mô hình câu lạc bộ như “5 không 3 sạch”, “Không sinh con thứ 3”, “Nhóm phát triển cộng đồng”, “Phụ nữ dễ bị tổn thương”,… cũng lồng ghép hoạt động góp vốn xoay vòng vào nội dung sinh hoạt câu lạc bộ. Nhờ vậy, các hội viên thêm phần đoàn kết, gắn bó, hoạt động Hội thiết thực và gần gũi hơn với đời sống chị em phụ nữ. Song song với hoạt động cho vay vốn, các Chi hội phụ nữ cũng tích cực lồng ghép triển khai các nội dung hoạt động khác như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm lo phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới…

Có thể thấy, dù số tiền vay mỗi kỳ vẫn còn khiêm tốn nhưng đã giải quyết nhiều khó khăn trước mắt của gia đình các hội viên. Mặt khác, chính sự có mặt kịp thời, đúng lúc của các tổ góp vốn xoay vòng đã góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.