Mỗi buổi chiều đi về trên đường Hùng Vương, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm những người đi đường đều phải cố gắng chạy xe thật chậm và nhấn còi liên tục. Chỉ một đoạn đường ngắn, nhưng có đến mấy nhóm trẻ đang đá bóng, đánh cầu ngay giữa lòng đường. Tiếng còi xe của người đi đường, đôi khi cả những lời quát mắng và thái độ khó chịu cũng không làm các em để ý!
Các cháu thiếu nhi vui chơi tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ảnh: Thanh Long
Không chỉ trên đường Hùng Vương, rất nhiều tuyến đường khác trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm cũng đang được trẻ em lựa chọn để “tạo sân chơi” riêng cho mình. Sau một năm học căng thẳng, mùa hè là dịp các em mong muốn được vui chơi, giải trí thoải mái. Thế nhưng, thực trạng sân chơi trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm nói riêng và trên địa bàn tỉnh ta nói chung hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Riêng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm: Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Hoạt động Thanh - thiếu niên và Thư viện tỉnh là các địa chỉ quen thuộc để trẻ em có thể vui chơi, sinh hoạt trong dịp hè. Trong đó, Nhà Thiếu nhi và Trung tâm Hoạt động Thanh- thiếu niên đã tổ chức các lớp năng khiếu, các mô hình câu lạc bộ để thu hút thiếu nhi tham gia. Tuy nhiên, những lớp học này cũng chỉ giới hạn được một số ít trẻ em bởi phần đông phụ huynh không đủ điều kiện kinh tế và cả thời gian để đưa đón con. Giải pháp được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn nhất vẫn là gửi con vào các lớp học thêm hoặc cho con tự “nghỉ hè” ở nhà.
Ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi, tuy trẻ em không thiếu địa điểm để chơi nhưng đó lại chỉ là những khu đất trống, những con đường vắng bóng xe cộ hay các trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn… Còn các công trình, thiết chế phục vụ vui chơi thì gần như không có hoặc là do tư nhân tự phát đầu tư để kinh doanh và tất nhiên, không phải trẻ em nào cũng có thể tham gia. Trung tâm văn hóa và thư viện vẫn là địa chỉ quen thuộc nhất với trẻ em ở các huyện. Nhưng các điểm này cũng chỉ mới đáp ứng được một số ít đối tượng vì thiếu cơ sở vật chất, trang-thiết bị cũng như thường chỉ đặt ở trung tâm các huyện. Đơn cử như trên địa bàn huyện Thuận Bắc, hiện nay chỉ tính số học sinh về nghỉ hè tại địa phương đã có trên 6.600 em, trong đó có hơn 4.000 học sinh tiểu học. Trong khi huyện vẫn chưa có nhà thiếu nhi hay sân chơi tập trung nào cho học sinh. Thư viện trung tâm huyện thường xuyên mở cửa phục vụ nhu cầu đọc sách trong dịp hè nhưng hiện nay mới chỉ đáp ứng được cho một số ít trẻ em trên địa bàn xã Lợi Hải.
Chính sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do các cơ sở kinh doanh điện tử, internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở kinh doanh internet, phần lớn các “khách hàng” ở độ tuổi 8 - 17 tuổi. Không ít em đã sa đà vào các trò chơi mang tính kích động, bạo lực, dễ làm phát sinh những suy nghĩ tiêu cực, những hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật. Một số trẻ em đã tự tạo cho mình những sân chơi như tắm ao hồ, kênh mương, đá bóng trên hè phố… mà không biết nguy hiểm đang rình rập.
Việc đầu tư xây dựng sân chơi cho trẻ em là vấn đề luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung, việc thiếu sân chơi cho trẻ em đặc biệt trong dịp hè là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, các hoạt động của Đoàn Thanh niên các cấp dành riêng cho thiếu nhi tại các địa phương là điều hết sức cần thiết để góp phần tạo ra những sân chơi bổ ích cho trẻ em trong dịp hè. Những hoạt động này đã và đang được triển khai ở một số địa phương, tuy nhiên, để những hoạt động trở thành những sân chơi bổ ích, thu hút được thiếu nhi tham gia cũng đòi hỏi sự quan tâm, liên kết chặt chẽ của các ngành, các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ từ phía gia đình của chính các em.
Đồng chí Châu Thanh Hải,
Bí thư Tỉnh đoàn:Với mục tiêu tập hợp đông đảo thiếu nhi tham gia sinh hoạt, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho thiếu nhi ở địa bàn dân cư trong dịp hè, đặc biệt là thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoạt động hè 2013 được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai với chủ đề “Hè vui an toàn- làm nghìn việc tốt”. Theo đó, các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa hè, vui chơi, giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư, tổ chức chương trình học kỳ quân đội; vận động, ủng hộ giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống. Vận động các doanh nghiệp, trường học và Đoàn trực thuộc quyên góp hỗ trợ sách, báo, máy vi tính cho Đoàn cơ sở khó khăn, trong đó tập trung vào các xã miền núi, vùng sâu… Để tạo nhiều sân chơi cho các em, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ và chia sẻ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đến thiếu nhi và công tác thiếu nhi, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện.
Đồng chí Nguyễn Lượm,
Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang- Tháp Chàm: Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm đã tồn tại nhiều năm qua. Để tạo điều kiện vui chơi cho thanh-thiếu niên trong dịp hè, UBND thành phố cũng đã tích cực chỉ đạo Thành đoàn phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở một số hoạt động truyền thống như: Hội trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các tổ chức Đoàn Thanh niên... Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố đã đề ra nhiều giải pháp xã hội hóa lĩnh vực này, trong đó tập trung kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, trước mắt là kêu gọi đầu tư xây dưng Trung tâm Giải trí tại đường Nguyễn Cư Trinh phục vụ nhu cầu cho người dân khu vực Tháp Chàm; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân nói chung và thanh-thiếu niên trên địa bàn thành phố nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình,
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đối với trẻ em, môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn là điều kiện quan trọng và cần thiết giúp trẻ phát triển và hoàn thiện kỹ năng sống. Tháng hành động trẻ em năm nay với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”, vấn đề đặt ra là cả cộng đồng cần phải tạo cơ hội cho tất cả trẻ em được vui chơi, học hành và phát triển lành mạnh. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể các cấp cần thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình; vận động xã hội góp sức tích cực hơn nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ. Tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Về lâu dài, việc quy hoạch mạng lưới sân chơi cho trẻ em ở vùng nông thôn cũng như thành thị cần được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Các em cần được sự quan tâm của toàn xã hội.
Chị Phạm Thị Nhàn, thôn Gò Sạn,
xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc:Tôi có con trai là học sinh lớp 3, Trường TH Mỹ Nhơn. Vì nhà ở vùng nông thôn, kinh tế lại khó khăn nên không thể cho con tham gia các lớp học năng khiếu hay đi tham quan du lịch… Cháu tự chơi ở nhà, đôi khi cùng bạn bè đi tắm sông hoặc đá bóng trên đường giao thông cũng rất nguy hiểm. Tôi rất ủng hộ các hoạt động sinh hoạt hè của Đoàn Thanh niên ở địa phương và mong muốn ngày càng có thêm nhiều hoạt động hấp dẫn hơn nữa để thu hút các cháu tham gia. Qua đó tuyên truyền, giáo dục để các cháu tránh chơi những nơi và trò chơi nguy hiểm và thêm yêu quê hương, gia đình như: làm vệ sinh thôn xóm, trồng cây xanh, viếng Đài liệt sĩ…
Nhóm PV