Cúm A/H1N1: Có thể phòng ngừa và kiểm soát được

Các ca tử vong liên tiếp do cúm A/H1N1 vừa qua khiến người dân có phần hoang mang và lo lắng. Sau trận dịch năm 2009 tại VN, cúm A/H1N1 dường như đang “nóng” trở lại...

Virút cúm A/H1N1 là loại virút gây bệnh cúm trên heo, còn gọi nôm na là “cúm heo” (Swin flu). Tuy nhiên, virút cúm A/H1N1 cũng gây bệnh trên người. Năm 1918, một trận đại dịch cúm A/H1N1 đã xảy ra ở Tây Ban Nha, gần 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ bị nhiễm cúm (500 triệu người), trong đó có khoảng 50 triệu người chết. Tuy nhiên, tác nhân siêu vi gây bệnh vẫn chưa được xác định, mãi cho đến năm 1930 các nhà khoa học mới phân lập được tác nhân cúm A/H1N1 từ heo và sau đó phân lập được trên người. 

Từ năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận cúm A/H1N1 đã xuất hiện ở gần như tất cả các nước với khoảng 17.000 người tử vong trên toàn thế giới. Năm 2011, chủng cúm A/ H1N1 được cho là có thể có biến đổi gen khi kết hợp với chủng cúm mùa H3N2, do đó độc lực của virút cúm A/H1N1 cao hơn các loại cúm mùa thông thường, nhưng tỉ lệ tử vong chỉ từ 1 - 4%. Tử vong thường xảy ra trên những đối tượng có nguy cơ như người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người có cơ địa suy giảm miễn dịch, đái tháo đường…

Virút cúm A/H1N1 được lây từ heo sang người do tiếp xúc với những giọt dịch tiết từ mũi họng của heo, thường gặp trên những người chăn nuôi heo hoặc giết mổ heo, bán thịt heo…Tuy nhiên, virút cúm A/H1N1 cũng có thể lây từ người sang người do hít phải những giọt khí dung, dịch tiết từ mũi họng của người bệnh. Virút cúm A/H1N1 có thể sống lâu trong môi trường nước (4 ngày ở nhiệt độ khoảng 220C và 30 ngày ở nhiệt độ 00C), do đó thời điểm mùa đông là thời tiết thuận lợi cho virút phát triển và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Triệu chứng cúm A/H1N1 cũng giống như triệu chứng của cúm thông thường: sốt, nhức đầu, đau họng, ho, đau nhức cơ, ớn lạnh, nôn ói và có thể tiêu chảy. Thời kỳ mắc bệnh kéo dài khoảng 4 - 6 ngày, bệnh nhân có thể có triệu chứng xấu đi như: khó thở, thở nhanh, xanh tím, mất nước, thay đổi tri giác… nếu trường hợp nặng, bệnh nhân suy hô hấp nhanh chóng và tử vong.

Hiện nay đã có thuốc đặc trị cúm A/H1N1, tuy nhiên việc điều trị cúm phải được bắt đầu càng sớm càng tốt, thường phải cho bệnh nhân uống thuốc đặc trị trong vòng 48 giờ đầu tiên khi có triệu chứng, như vậy kết quả điều trị sẽ khả quan hơn.

Để phòng ngừa cúm, trước hết phải hiểu rõ đường lây truyền của virút cúm. Do tại nước ta, bệnh đã trở thành một dạng cúm mùa nên bệnh sẽ lây qua người lành từ người nhiễm cúm, qua bàn tay bẩn có dính chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân… Do đó, phải rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, vệ sinh mặt bàn ghế và các mặt phẳng trong nhà có người bị cúm bằng dung dịch khử trùng như Javel, Chloramin B…

Bên cạnh đó, chủng ngừa cúm bằng vắc-xin là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vắc-xin ngừa cúm đã có từ năm 1976, và được điều chế theo sự biến đổi độc tính của virút. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng vắc-xin ngừa cúm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Nguồn suckhoedoisong.vn