Cần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ

Ngày 7/6, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn 2006-2012).

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày, việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.

Trong đó, cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thực sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”; nhiều dự án chưa bảo đảm tính cấp bách, cần thiết phải đầu tư bằng nguồn vốn TPCP theo mục tiêu ban đầu mà Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định.

Chất lượng quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số bộ, ngành và địa phương chưa cao, thiếu sự phối hợp, lồng ghép. Nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn đầu tư, không cân đối đủ vốn, vượt quá khả năng kinh tế, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng, dở dang, lãng phí.

Công tác quản lý, phân bổ, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân thủ quy định...

Mặt khác, công tác quy hoạch hiện đang được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính cụ thể, minh bạch.

Nguồn vốn phân bổ dàn trải, tăng tổng mức đầu tư quá lớn gây lãng phí

Theo đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), nguồn lực được phân bổ hàng năm chưa đáp ứng được nguồn vốn các dự án, chương trình phê duyệt; kết quả chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; số dự án dở dang chiếm tỷ lệ tương đối lớn.

Tình trạng bố trí vốn dàn trải, bố trí vốn chưa đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án. Số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư là khá phổ biến. Đáng chú ý, báo cáo cũng chưa phân tích sâu sắc nguyên nhân dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhất là nguyên nhân do lỗi chủ quan trong quá trình thực hiện các khâu của dự án đầu tư.

Theo đại biểu Phương Thị Thanh, nguyên nhân của hạn chế trên là do cơ chế phân cấp quản lý đầu tư trước khi có Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ là chưa phù hợp. Chủ thể được giao thẩm quyền quyết định đầu tư không biết được nguồn vốn đảm bảo thực hiện trong cả giai đoạn, trong khi đó, nhu cầu đầu tư rất lớn, Trung ương phân bổ nguồn vốn theo kế hoạch hàng năm, số vốn phân bổ không đáp ứng được yêu cầu của các dự án đã triển khai dẫn đến nguồn vốn phân bổ dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí rất lớn.

Trong khi đó, việc xử lý các sai phạm trong thực hiện Luật này chưa nghiêm túc. Trong cả giai đoạn chưa xử lý được trường hợp nào thuộc trách nhiệm người đứng đầu của tổ chức, đơn vị; công tác thanh tra, kiểm toán toàn diện việc thực hiện chương trình cũng chưa được triển khai thực hiện.

Đồng quan điểm với đại biểu Phương Thị Thanh, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng cho hay: Cơ chế phân bổ vốn thiếu minh bạch khi không có tiêu chí phân bổ, sắp xếp vấn đề ưu tiên cụ thể dẫn đến tình trạng xin - cho diễn ra phổ biến.

“Quyền năng thực sự thuộc về các cơ quan quản lý nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ở các bộ, ngành mà không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ” – Đại biểu Nguyễn Thành Tâm nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm, về phía các địa phương, đơn vị thụ hưởng đã tranh thủ để xin dự án vì không có ràng buộc trách nhiệm rõ ràng về bảo đảm thực hiện, trong khi chất lượng tổ chức triển khai và quản lý đầu tư bị hạn chế, có nơi buông lỏng thậm chí bỏ qua sai sót. Thế nhưng những yếu kém đó đã không được xử lý mà còn được “dung túng” bằng các chủ trương tăng tổng mức đầu tư, tăng danh mục dự án. Hệ quả là việc phân bổ sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không tránh khỏi đã bị lợi dụng, bị lợi ích cục bộ địa phương chi phối làm cho lệch lạc với mục tiêu ban đầu, tính công bằng không được đảm bảo. Thậm chí, đây còn là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát sinh.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm kiến nghị: Quốc hội nên xem xét để đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách nhà nước, để việc quản lý sử dụng được chặt chẽ, có cơ sở về pháp lý vững chắc và phản ánh đúng bản chất của nguồn vốn này. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề giám sát; chưa nên phát hành thêm trái phiếu Chính phủ khi chưa có kết quả tổng kết lại toàn bộ chương trình trái phiếu Chính phủ đã được quyết định là cơ sở để Quốc hội cân nhắc, xem xét. Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc thanh tra, kiểm tra các dự án thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cả về tài chính và trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xử lý vi phạm, nhằm khắc phục hậu quả kinh tế, đồng thời khôi phục lại niềm tin trong nhân dân.

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) đánh giá, Báo cáo giám sát chủ yếu nêu số lượng dự án, chưa thể hiện các tham số, các tiêu chí kỹ thuật đạt được của từng dự án. Đại biểu Lê Văn Học dẫn chứng: Về y tế, chưa nêu được đã làm mới được bao nhiêu bệnh viện, nâng cấp bao nhiêu bệnh viện cấp huyện, nâng tỷ lệ giường bệnh là bao nhiêu? “Vì thiếu tiêu chí nên rất khó xác định được suất đầu tư của từng dự án, trên cơ sở đó, đánh giá được tính hiệu quả của từng dự án” - đại biểu nói.

Đáng lưu ý, điều chỉnh tổng mức đầu tư kinh phí so với dự toán lúc đầu được duyệt là quá lớn, không tuân thủ Nghị quyết 881 Quốc hội khóa XII như: Không được tăng quy mô, không được thay đổi tiêu chí và định mức kỹ thuật công trình, nhưng tổng số vốn đầu tư cho các dự án đã được điều chỉnh tăng rất lớn từ hơn 388 nghìn tỷ đồng lên hơn 684 nghìn tỷ, tăng so với ban đầu là 77%, trong đó, các dự án giao thông tăng là 70%, thủy lợi là 110%...

Theo các số liệu giải thích trong báo cáo giám sát điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cho dự án vì lý do phải xử lý kỹ thuật thông thường của một số dự án công trình giao thông, nhưng theo đại biểu Lê Văn Học, việc giải thích này rất khó thuyết phục. Đại biểu Lê Văn Học dẫn chứng: Đoạn Quốc lộ 22B xử lý kỹ thuật tăng 399 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 437 tỷ, gây lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính cụ thể, minh bạch

Theo Đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai), công tác ban hành hệ thống văn bản QPPL về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hạn chế, bất cập. Theo đó, nhiều văn bản Chính phủ ban hành vượt thẩm quyền quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, qua nhiều năm, văn bản ban hành hướng dẫn nhiều nhưng thiếu tính ổn định, thống nhất bổ sung dẫn đến phức tạp, khó áp dụng hoặc áp dụng một cách tùy tiện dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu, gây lãng phí, tiêu cực, thất thoát nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Các văn bản quy định về tạm ứng vốn, đầu tư xây dựng cơ bản được điều chỉnh nhiều lần nhưng quy định không chặt chẽ dẫn đến nhà thầu lợi dụng cơ chế để ứng vồn, khi chưa có khối lượng thực hiện; sử dụng nguồn vốn TPCP không đúng mục đích, không phát huy được năng lực nhà thầu; triển khai công trình không đúng tiến độ, chất lượng công trình không cao, gây tiêu cực, thất thoát lãng phí lớn, có trường hợp không thu hồi được vốn.

Các quy định về mở thầu, đấu thầu, chỉ định đấu thầu đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn TPCP chưa xác định rõ năng lực quản lý của chủ đầu tư, tiêu chuẩn, trách nhiệm, bảo đảm chất lượng công trình của dự án; văn bản hướng dẫn không rõ ràng, cụ thể dẫn đến chủ đầu tư tổ chức đấu thầu không đúng quy định, minh bạch nên có việc chạy thầu, thông thầu. “Đây là khâu yếu ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, chất lượng các công trình, dự án.”- đại biểu Ngô Văn Hùng phản ánh.

Trong khi đó, một số điều khoản của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa có hướng dẫn cụ thể. ví dụ: Điều 34 của Luật quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm về đầu tư xây dựng cơ bản phải bồi thường. Theo đại biểu Ngô Văn Hùng, trên thực tế, các trường hợp vi phạm này là nhiều, nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên đến nay chưa xử lý được trường hợp nào.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cũng cho rằng, các văn bản hướng dẫn về tiêu chí để rà soát các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thiếu cụ thể, thời gian để địa phương rà soát quá gấp, nhất là giai đoạn đầu kiên cố hóa trường, lớp học dẫn đến phải điều chỉnh về số lượng dự án, các công trình đăng ký nhiều lần .

Các đại biểu đề nghị sớm sửa đổi đồng bộ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, ban hành Luật Đầu tư công gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng: Pháp điển hóa, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp giữa các văn bản liên quan, khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết trong hệ thống các văn bản như đã được nêu trong Báo cáo. Cụ thể hóa tối đa các quy định liên quan nhằm tạo căn cứ pháp lý đầy đủ cho tổ chức thực hiện, tránh vận dụng tùy tiện gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước; rà soát, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, các quy định vượt thẩm quyền.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam